Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Trung tâm) được hình thành từ dự án hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ngân hàng Thế giới, có sự hỗ trợ của Chính phủ Anh, Australia. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng về hoạt động hỗ trợ ý tưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung tâm trong hơn một năm qua.
|
Nhiều giống lúa có thể thích ứng với biến đổi khí hậu được nghiên cứu và trồng thử nghiệm tại Đồng bằng sông Cửu Long. |
- Thứ trưởng có thể cho biết về sự ra đời của Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)?
- Biến đổi khí hậu ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam được nhận định là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều thể chế chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường năng lực quốc gia thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành kinh tế. Cộng đồng quốc tế cũng đã có những hỗ trợ thiết thực với Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ đầu tư. Năm 2015, thông qua tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật VCIC. Mục tiêu của Dự án là hình thành nên một trung tâm để kết nối với 7 trung tâm khác trên thế giới cũng đang tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào các công nghệ mới.
- Vậy, vai trò của Trung tâm trong hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?
- VCIC mong muốn tạo ra một nền tảng dịch vụ ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp về các mặt tài chính, đào tạo và tư vấn thiết kế ý tưởng công nghệ; xác lập mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm; cung cấp chuyên gia công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các phòng thí nghiệm để kiểm định, hiệu chuẩn công nghệ. Hiện nay, nguồn lực của VCIC dành cho các doanh nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn. Dù vậy, trong giai đoạn 1, đã có 18 dự án có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế các-bon thấp ở Việt Nam, đã nhận được tài trợ. Các dự án trên được lựa chọn từ hơn 300 đề xuất, ý tưởng tham gia cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ nhất diễn ra năm 2016. Năm 2017, cuộc thi cũng được tổ chức với những sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh thuộc các loại hình: Năng lượng hiệu quả, nông nghiệp bền vững, quản lý và lọc nước, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và các công nghệ khác liên quan tới biến đổi khí hậu. Dự án được chọn có cơ hội nhận khoản tài trợ lên đến 75.000 đô la Mỹ cho việc phát triển, triển khai hoặc mở rộng một sản phẩm hay dịch vụ.
- Những dự án tiêu biểu nào đã được hỗ trợ, thưa ông?
- Có một dự án rất đáng chú ý, đó là công nghệ lọc nước sử dụng các vật liệu lọc làm từ nguyên liệu trấu bỏ đi. Theo đó, từ trấu có thể làm ra vật liệu nano mang kích thước nhỏ có ích cho việc lọc nước, giúp cho người dân có nước sạch sử dụng trong thời kỳ hạn hán hay có xâm nhập mặn. Những dự án như vậy thực sự dùng ý tưởng sáng tạo, công nghệ mới, dùng công nghệ thân thiện với môi trường, giúp giải quyết những vấn đề của môi trường ở Việt Nam hiện nay. Sau một thời gian đi vào hoạt động, chúng tôi nhận định, dự án đã đi đúng định hướng đề ra và các doanh nghiệp được hỗ trợ bước đầu cũng có được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, VCIC đã hỗ trợ thêm những dự án thuộc lĩnh vực khác. Ví dụ như Dự án sản xuất cà chua sạch, tạo thành từng vùng sản xuất khép kín từ khâu cây giống, sản xuất, bảo quản, chế biến, rồi đưa vào siêu thị... Đặc biệt, một điểm đáng ghi nhận trong quy trình là việc sử dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là một trong những dự án đang được triển khai rất tốt để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giúp bảo đảm được quy trình sản xuất. Người sản xuất sẽ có thu nhập tốt để có thể đầu tư vào quy trình của mình và đưa sản phẩm vào thị trường, tới các siêu thị cung cấp tận tay người tiêu dùng. Quá trình này vừa giúp cho người nông dân có đầu ra vừa giúp cho người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm sạch.
- Thời gian tới, Bộ KH-CN có những định hướng như thế nào trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
- Hiện nay, khoa học và công nghệ đã chuyển hướng và coi doanh nghiệp làm trung tâm. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu những sản phẩm của mình ra nước ngoài cũng cần phải xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý. Bộ KH-CN đang tiến hành cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi hy vọng năm nay, số dự án tham gia nhận hỗ trợ sẽ lớn hơn con số 18 dự án của năm vừa qua. Trong thời gian tới, VCIC sẽ làm việc với các quỹ, các tổ chức và sẽ kêu gọi một số quỹ khác hỗ trợ thêm cho dự án VCIC. Đó cũng là nguồn lực để kêu gọi đầu tư cho các dự án mới trong giai đoạn tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hà thực hiện/ Hà Nội mới