Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch, giai đoạn này sẽ hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 1,4 triệu người.
Bên cạnh đó, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Cụ thể, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn có trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1 triệu người; trình độ trung cấp và cao đẳng là 400.000 người.
Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 2.000 tỷ đồng; trong đó, kinh phí trung ương hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.100 tỷ đồng, kinh phí địa phương 800 tỷ đồng và kinh phí khác 100 tỷ đồng. Kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng được cấp theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối tượng đào tạo là lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Lao động là người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phụ nữ (đây là đối tượng ưu tiên).
Ngành nghề đào tạo về kỹ thuật và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.
Các địa phương lựa chọn ngành nghề phù hợp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có liên kết sản xuất, tiêu thụ; sản phẩm công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm: tổ chức một số mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại các vùng sản xuất hàng hóa để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Rà soát, hoàn thiện các chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của người học; Bổ sung các chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao và nhu cầu việc làm theo tái cơ cấu nông nghiệp.
Bên cạnh đó, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề; hàng năm, tổ chức cho các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các cấp.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; thực hiện cơ chế giám sát của các tổ chức đoàn thể; tổ chức sơ kết, đánh giá và tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung đào tạo nghề nông nghiệp cho cơ quan thường trực của Đề án 1956./.
Tác giả bài viết: Thành Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn