Theo đánh giá, nếu chính sách này được thông qua, ngư dân chúng ta sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép để vươn khơi vừa phục vụ đánh bắt xa bờ, vừa giữ vững chủ quyền biển đảo.
Trả lời phỏng vấn NTNN, ông Trần Cao Mưu (ảnh) – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, dự thảo chính sách lần này là chung, đầy đủ, toàn diện và phù hợp để hỗ trợ ngư dân.
Trong bối cảnh trên Biển Đông hiện nay có nhiều biến động phức tạp, dự thảo về chính sách hỗ trợ ngư dân lần này sẽ có gì đột phá ?- Trước tiên, phải khẳng định đây không phải là chính sách đầu tiên hỗ trợ cho ngư dân, mà ngay từ những năm 1990, chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ đóng tàu, tiếp đến là các chính sách hỗ trợ vay vốn, chính sách đào tạo thuyền viên… Theo tôi được biết, dự thảo chính sách lần này, có nhiều hỗ trợ mà các chính sách trước đây chưa từng có.
Cụ thể, chính sách lần này sẽ tập trung vào hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, vỏ gỗ là 70% trong 7 năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay chỉ 3%/năm (tức chỉ chưa bằng 50% lãi suất huy động) và được ân hạn 1 năm. Chính sách này mang ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần tạo sự đột phá cho phát triển nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân; góp phần tạo điều kiện cho ngư dân an tâm khai thác, chủ động trong phòng tránh các rủi ro.
Việc đánh bắt và khai thác thủy hải sản xa bờ hiện nay của ngư dân gặp khá nhiều nguy hiểm, thậm chí có thể bị tử vong. Vậy ngoài việc hỗ trợ về tàu thuyền, chính sách bảo hiểm cho ngư dân có gì mới không, thưa ông?
- Đây cũng là vấn đề quan trọng được đề cập tới trong chính sách lần này. Cụ thể, với ngư dân bị chết, mất tích khi khai thác trên biển, được hỗ trợ tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; đồng thời được cấp 15kg gạo/tháng/người trong thời gian 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, người thân (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi sống phụ thuộc…
Tôi cho rằng, đây là những chính sách hết sức nhân văn, bởi chúng ta đã hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của người ngư dân. Mỗi khi có sự đồng cảm, chia sẻ như vậy, thì chắc chắn ngư dân sẽ rất an tâm bám biển.
Theo ông, liệu chính sách này có thể được thực thi ngay và có sự đột phá thực sự, đặc biệt để giúp cho ngư dân của ta có thêm nhiều con tàu sắt vươn khơi?
- Tôi nghĩ, cái khó nhất vẫn là chính sách phát triển tàu thép, dù việc phát triển tàu vỏ thép về lâu dài là chủ trương đúng đắn. Theo tìm hiểu của tôi từ một số ngư dân, để đóng được 1 con tàu vỏ thép phải mất khoảng 7- 9 tỷ đồng. Chính sách này nếu triển khai mà cho vay khoảng 80 – 90% thì ngư dân vẫn phải bỏ từ 2-3 tỷ đồng ra để đầu tư là một số tiền vẫn còn quá lớn đối với ngư dân của ta. Có người còn tính toán, nếu phải bỏ 3 tỷ thì họ có thể đóng được 2 con tàu gỗ mà vẫn khai thác được khoảng 20 năm sẽ cho hiệu quả kinh tế hơn.
Ưu điểm của tàu vỏ thép là thường được trang bị các thiết bị tốt hơn, hiện đại hơn, an toàn hơn, khai thác, đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Đặc biệt, bảo quản các sản phẩm thuỷ sản sau thu hoạch sẽ tốt và giảm thất thoát hơn.
Hiện tàu gỗ đang có tỷ lệ thất thoát thuỷ sản sau thu hoạch từ 20-30%, nếu sử dụng tàu vỏ thép giảm được 10% thất thoát thôi thì sản lượng thuỷ sản cũng tăng lên đáng kể rồi. Tuy nhiên, nhược điểm của tàu vỏ thép là khi sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định như phải tuân thủ đúng thời gian 6 tháng là lên đà, sửa chữa, nếu không sẽ bị han gỉ và rất nhanh hư hỏng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn