Trước khi đến mô hình trồng chuối, anh Trần Trung Đức đã từng mở cửa hàng bán hoa quả, từ hoa quả của Việt Nam đến các loại hoa quả nhập khẩu. Chính trong khoảng thời gian buôn bán này đã giúp anh hiểu hơn về các loại quả nhập khẩu, biết cách đọc mã số, mã vạch, các thông số kỹ thuật và nhu cầu thị trường cần những gì… Nhận thấy chuối là mặt hàng sản xuất được quanh năm, có thể tiếp cận và học hỏi theo các nước phát triển nên anh đã tạm dừng buôn bán và quyết tâm trở về quê trồng chuối.
Đầu năm 2016, với số vốn 700 triệu đồng được gia đình, bạn bè hỗ trợ, anh bắt tay vào đầu tư trồng 3 ha chuối với 2 giống chính: chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan. Năm đầu tiên trồng, anh sử dụng giống là cây con nên năng suất và hiệu quả không cao, chất lượng, mẫu mã sản phẩm thu hoạch không được đồng đều. Sang vụ trồng thứ 2, anh đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công giống chuối nuôi cấy mô.
Anh Đức chia sẻ: Nhờ học hỏi trên mạng internet và sự chỉ bảo từ các giảng viên của Học viện Nông nghiệp Hà Nội đã giúp anh nhân giống thành công giống chuối nuôi cấy mô. Vì vậy cuối năm 2016, gia đình đã trồng toàn bộ diện tích bằng chuối nuôi cấy mô, với khoảng cách cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1m và giữa 2 hàng kép rộng 3m để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Ưu điểm của chuối nuôi cấy mô là có thể trồng được với số lượng lớn, cây đồng đều, hạn chế được bệnh, mẫu mã quả chuối đẹp, sáng bóng… được thị trường ưa chuộng.
Giống chuối nuôi cấy mô tế bào từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 10 tháng. Để nâng cao năng suất, anh đầu tư mua máy cày, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động, sử dụng toàn bộ màng phủ nilông tại các gốc chuối. Hệ thống này giúp giảm lượng phân bón, hạn chế cỏ dại, giảm công lao động. Ngoài ra, anh Đức còn đầu tư khu nhà xưởng chế biến sau thu hoạch.
Hiện nay, cứ 2 năm gia đình anh Đức trồng được 3 vụ chuối. Trung bình mỗi buồng chuối nặng 20 kg. Sau khi chuối thu hoạch được chuyển vào khu xưởng sơ chế đóng gói. Máy móc tại xưởng đều nhập khẩu từ Mỹ và được Bộ Nông nghiệp & PTNT cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuối được giấm trong phòng lạnh với nhiệt độ dưới 13oC và chín tự nhiên bằng khí Etylen sinh học, tuyệt đối an toàn, được bán với giá 12.000 – 13.000 đồng/kg .
Việc sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu cây giống đến thành phẩm xuất ra thị trường đã giúp anh Đức nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ hệ thống bán lẻ, siêu thị Vinmart, các cửa hàng thực phẩm sạch, các trường học, bệnh viện… Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường gần 400 tấn chuối; tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương từ 4 – 6 triệu đồng/tháng.
Lợi nhuận cao từ việc trồng chuối nuôi cấy mô và với dự định từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tháng 8/2018, anh đã liên kết với 20 hộ nông dân mở rộng quỹ đất để đầu tư trồng chuối, nâng tổng diện tích lên 10 ha chuối nuôi cấy mô. Đồng thời thành lập Hợp tác xã Chuối Viba và tiến tới xây dựng thương hiệu chuối Viba. Các hộ liên kết sẽ được anh Đức cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Với diện tích đất trồng chuối của gia đình và liên kết với các hộ, mỗi tháng trừ chi phí nhà xưởng, nhân công, sản phẩm thu mua của các hộ, anh thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng. Theo anh Đức thì trồng chuối nuôi cấy mô cho hiệu quả và thu nhập cao gấp 20 – 30% so với trồng chuối lấy từ gốc cây mẹ.
Với sự đam mê, ham học hỏi và áp dụng những công nghệ mới với trong sản xuất. Anh Trần Trung Đức đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng chuối nuôi cấy mô. Tuy mới ngoài 27 tuổi nhưng anh Đức đang chọn cho mình hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Mong muốn của anh trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm vùng sản xuất, để sản phẩm chuối Viba không chỉ trong nước biết đến mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài./.
Đình Thủy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn