Cây ớt rừng đã có từ rất lâu ở xã Phú Lương. Loài ớt này vốn trước mọc hoang trong rừng, trái ớt chín được một số loài chim rừng rất thích ăn mặc dù cay xè. Bà con đi rừng hay hái ớt rừng về làm gia vị cho món ăn trong bữa cơm hàng ngày.
Quả thật chỉ có thổ nhưỡng và khí hậu vùng Phú Lương, ớt rừng mới cho mùi thơm và vị cay đặc biệt. Nếu bén rễ đất phù sa màu mỡ, đặc tính vốn có của nó sẽ không còn. Thấy được giá trị của ớt rừng, bà con tìm giống về trồng, hái bán theo kiểu nhỏ lẻ.
Tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương đang phát triển ớt rừng thành sản phẩm hàng hóa.
Từ khi THT ớt rừng Phú Lương được thành lập năm 2018, phụ nữ xóm Băn, xã Phú Lương có thêm cơ hội để giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, góp phần vào xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương.
Những cây ớt rừng được đem về trồng ở ruộng cạn và ven rừng. Hiện nay, THT có 15 thành viên tham gia dự án xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương, các thành viên đã được tập huấn kỹ thuật trồng ớt, hỗ trợ thị trường tìm kiếm đầu ra.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Bùi Thị Hà, Tổ trưởng THT ớt rừng Phú Lương, xóm Băn (xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), cho biết: Từ ý tưởng "trồng ớt rừng theo hướng sinh học" đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện. Trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cho chị em phụ nữ do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, ý tưởng này đã được được trao giải với số tiền thưởng lên đến 157 triệu đồng.
"Hội LHPN huyện đã dùng số tiền này hỗ trợ cho THT chúng tôi phát triển mô hình trồng ớt rừng, quy mô 3.000 m2 ở xóm Băn và xóm Thếnh, sản lượng đạt gần 700 kg...", chị Hà tiết lộ.
Cây ớt rừng quả nhỏ, độ cay nồng, giòn và thơm được bà con người Mường trồng rất nhiều ở xã Phú Lương (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).
“Giá bán ớt rừng tươi khoảng 150.000 - 200.000 đồng/kg, đã mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. 1 cây ớt có vòng đời 1 năm, thu hái quả xong nhổ cây rồi gieo hạt trồng lại. Cứ 1.000 m2 trồng 700 cây ớt rừng. Sau 4 tháng cây ớt rừng ra hoa đậu quả sẽ cho thu quả 4 tháng liên tục, 1 cây cho thu 7 lạng ớt quả” – chị Bùi Thị Hà bộc bạch.
Theo bà con ở xã Phú Lương cho biết, giống ớt rừng này là do chim ăn ở trên rừng rồi hạt rơi ra, mọc thành cây con. Khi quả chín, bà con lấy ớt về ăn.Thấy ngon nên bà con lấy về trồng tại vườn. Vì điều này, nên nhiều nơi còn gọi ớt rừng là ớt chim ỉa. "Ngay như ruộng ớt rừng của chúng tôi, nhiều khí trái chín vẫn thấy chim chóc đến "ăn trộm", chị Hà nói vui.
Vài năm trở lại đây, người dân xã Phú Lương đã bắt đầu gieo trồng giống rừng, để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nói là gieo trồng nhưng người dân chỉ gieo hạt ớt trên rẫy rồi để cây ớt phát triển tự nhiên. Cây ớt rừng hoàn toàn không được bón phân, phun thuốc nên giữ được hương vị đặc trưng.
Ớt rừng được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị cay nồng, thơm ngon.
Là 1 tiểu thương chuyên thu mua ớt rừng tại xã Phú Lương, chị Nguyễn Thu Hương, đến từ Hà Nội cho biết phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết: "Tôi thu mua ớt rừng của bà con ở đây cũng được khoảng 3 năm. Giá ớt rừng vào thời điểm đầu hoặc cuối vụ được tôi mua với giá 150.000 đồng – 200.000 đồng /kg. Ở đây người dân trồng bao nhiêu tôi cũng thu mua hết, vì người dân dưới xuôi rất ưa thích sử dụng loại ớt này. Ngoài việc ăn trái tươi, ớt rừng còn được muối với nước muối hoặc giấm, loại ớt muối có thể để suốt cả năm vẫn thơm ngon".
Hiện nay sản phẩm ớt rừng Phú Lương được đóng lọ thủy tinh quy cách 100g, giá bán 35.000 đồng/lọ.
Với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt rừng Phú Lương đang là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ớt sau khi thu hoạch được các thành viên trong THT sơ chế nhặt sạch, ngâm muối, chế biến thành ớt muối cho vào lọ thủy tinh. Trước đây, bà con thường cho ớt muối vào chai nhựa nên nhanh bị váng mốc, không để được lâu. Giờ đây sản phẩm ớt rừng Phú Lương được đóng lọ thủy tinh quy cách 100g, giá bán 35.000 đồng/lọ, là sản phẩm được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể để được 24 tháng.
Chị Bùi Thị Hà, Tổ trưởng THT ớt rừng Phú Lương, chia sẻ: “Mong muốn của các thành viên chúng tôi là được hỗ trợ kinh phí, để mở rộng phát triển theo chuỗi giá trị, áp dụng các biện pháp sản xuất ớt sạch và xây dựng theo mô hình VietGAP. Tổ chức sản xuất theo hướng trồng tập trung, chuyên canh, thống nhất quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn