Với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho DN trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực trọng yếu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến hết quý II/2018, ước tính cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN hoạt động trên cả nước. Các DN đầu tư nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 92,35%; tiếp đến là DN có quy mô lớn với 5,59% và DN có quy mô vừa với 2,06%. Các DN đầu tư nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ DN.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến nhiều rủi ro hơn so với các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, DN còn phản ánh gặp khó khăn ở một số vấn đề như quỹ đất chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; công nghiệp cơ khí hỗ trợ sản xuất còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý; ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn hạn chế…
Đánh giá về một trong những điểm nghẽn trong đầu tư nông nghiệp là tích tụ ruộng đất, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, hiện nay nhiều địa phương có mô hình chính quyền đứng ra thuê đất của bà con rồi giao cho DN để tạo diện tích sản xuất lớn. Tuy nhiên, các phương án này cũng có xung đột với pháp luật hiện hành. Tại hội nghị tới, vấn đề này sẽ được nêu ra và các cơ quan sẽ cùng xây dựng phương án cụ thể để giải quyết trong thời gian chưa kịp thay đổi Luật Đất đai và các quy định có liên quan.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT thông tin thêm, hiện nay DN gia nhập thị trường trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng không còn gặp bất kỳ rào cản gì. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính để duy trì hoạt động. Ước tính hiện có khoảng 500 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này và thời gian tới hy vọng sẽ cắt giảm được 40-50% số điều kiện này.
Vì vậy, hội nghị là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, DN nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông ngiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hội nghị hướng đến 5 mục tiêu lớn. Thứ nhất, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc đối với lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển. Thứ hai, truyền tải những điểm mới của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tới cộng đồng DN. Thứ ba, lắng nghe ý kiến của DN, chuyên gia, hiệp hội về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với Chính phủ. Thứ tư, trả lời, đối thoại giữa các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ với các DN, hiệp hội và chuyên gia. Thứ năm, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN và đề ra hành động của Chính phủ thông qua một Nghị quyết nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hội nghị sẽ được tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 30/7/2018, với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Bộ, ngành, các cơ quan trung ương; lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế gồm WB, ADB, AFD, JICA… các tổ chức chính trị - xã hội gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kinh tế Việt Nam… các hiệp hội chuyên ngành như thuỷ sản, lương thực, rau quả, cà phê – ca cao, chè, điều, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, giống cây trồng…
Tham gia Hội nghị còn có đại diện cộng đồng DN như VCCI và các hiệp hội đa ngành; các DN trong và ngoài nước, hợp tác xã; và các ngân hàng thương mại.
Ngọc Khanh/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn