Được thành lập năm 2012 và tập trung sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày, hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến ở đường Bế Văn Đàn, phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cung ứng cho thị trường 5 tấn rau các loại, gồm su hào, xà lách, rau mùi, cải bó xôi, atiso, bắp cải, cải thảo, bí, ớt ngọt, cà chua... Trong đó, sản phẩm xà lách chiếm sản lượng tiêu thụ hơn 3 tạ mỗi ngày.
Theo anh Mai Văn Khẩn - Giám đốc hợp tác xã, diện tích trồng rau hữu cơ an toàn của cơ sở là 81 ha, trong đó, diện tích chuyên canh xà lách chiếm 30 ha. Cơ sở đang phát triển 7 loại xà lách các loại, được canh tác theo phương pháp hữu cơ với quy trình khép kín từ khâu lựa chọn hạt giống tới đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại các thị trường.
Giống xà lách lô lô tím tại cơ sở. Ảnh: Hợp tác xã Tân Tiến.
Cụ thể, cơ sở sử dụng hạt giống xà lách ngoại nhập, xuất xứ từ Hà Lan và Nhật Bản. Do tính chất sinh trưởng khác nhau nên xà lách tại đây được chia thành 2 dòng. Một dòng có chu trình sinh trưởng từ lúc xuống hạt tới khi thu hoạch là 50-55 ngày, gồm 3 loại xà lách lô lô xanh, xà lách lô lô tím và xà lách romanie. Dòng còn lại có chu trình sinh trưởng 60-65 ngày gồm xà lách Mỹ, xà lách radichio, xà lách frisee và xà lách corol.
Tất cả xà lách tại cơ sở đều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, đồng thời, có các chuyên gia kiểm tra và đánh giá định kỳ. Mọi hoạt động sản xuất trên vườn cũng được ghi chép và lưu giữ hồ sơ ít nhất một năm để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Do hình thành tổ hợp làm VietGAP khép kín nên bên cạnh cơ chế kiểm tra chéo giữa các xã viên thì việc truy xuất nguồn gốc là phương pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng rau của hợp tác xã.
Cơ sở phát triển 30 ha xà lách nhưng lại luân canh chủng loại. Cụ thể, loại này trồng gối loại kia trên một diện tích canh tác để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các giống xà lách lô lô xanh, lô lô tím và xà lách romanie của cơ sở cho thu hoạch 6-7 vụ mỗi năm, năng suất mỗi vụ đạt 1,5 tấn trên 1.000m2. Các loại xà lách khác cho thu hoạch khoảng 5-6 vụ mỗi năm với năng suất cao gần gấp đôi. Trung bình, tổng sản lượng xà lách an toàn của cơ sở đạt trên 1.200 tấn mỗi năm.
Rau xà lách chuẩn bị được chuyển nhập cho siêu thị. Ảnh: Hợp tác xã Tân Tiến.
Theo anh Khẩn, dù sản lượng xà lách khá cao, ổn định, chất lượng lại đảm bảo nhưng cơ sở vẫn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Cụ thể, trong hơn 1.200 tấn xà lách sản xuất mỗi năm, khoảng 30-40% được nhập trực tiếp cho siêu thị, nhà hàng; còn lại là phân phối cho thị trường ngoài qua kênh tư thương, giá bán có phần bấp bênh.
"Hiện nay, chất lượng rau của hợp tác xã đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nhưng khó cạnh tranh với các dòng rau khác về giá, một phần do thói quen tiêu dùng của người dân, một phần do chính sách khuyến khích và khơi mở xu hướng làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn còn hạn chế. Do đó, muốn cổ vũ cho các nông hộ, hợp tác xã làm rau an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng thì cần phải tạo sự ổn định cho thị trường rau sạch để bà con yên tâm canh tác", Anh Khẩn chia sẻ.
Ngoài khó khăn về thị trường, hợp tác xã Tân Tiến cũng đang gặp vấn đề về vốn vay để mở rộng diện tích canh tác và đầu tư thiết bị công nghệ cao. Thời gian qua, ngoài một phần nhỏ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ liên minh tỉnh Lâm Đồng, anh Mai Văn Khẩn - Giám đốc hợp tác xã chưa có điều kiện tiếp cận các gói vốn vay ưu đãi cho phát triển nông nghiệp nói chung và địa bàn Đà Lạt nói riêng. Anh cho biết, nếu được tạo điều kiện ưu đãi về vốn vay, anh sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển quy mô trang trại rau sạch tại Đà Lạt, cung ứng ngày càng nhiều sản phẩm rau an toàn cho thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn