Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội)
phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ngày 25-5
Ảnh: Hoàng Long
Vướng do quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm
"Nếu như trong bài hát thì đoạn cao trào nhất là điệp khúc, nhưng điệp khúc được mùa mất giá là điệp khúc buồn”- ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đưa ra ví von như vậy để nói về vấn đề nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội. Theo bà Hường, điệp khúc trên đặt ra một loạt những dấu hỏi về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công thương trong vấn đề thị trường, phát triển thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng quy hoạch; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch. "Giải pháp tình người giúp nông dân mua hành tím, nông sản không phải là giải pháp căn cơ, vì gần 70% dân số sống ở nông thôn” - bà Hường nêu vấn đề.
Trước việc nông sản - lâm nghiệp - thủy sản đều tăng trưởng thấp, ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng hiệu quả còn chậm. Ông Đức phân tích: Nguyên nhân là do khâu dự báo thị trường kém, để cho phát triển tự do không theo quy hoạch nên sản phẩm nông nghiệp lúc thừa lúc thiếu, tiêu thụ sản phẩm của nông dân khó khăn. Chính phủ cần nghiên cứu tập trung tái cơ cấu mạnh hơn trong nông nghiệp, trước mắt cần giải quyết những vướng mắc và dự báo thị trường tiêu thụ.
Dẫn ra một loạt những khó khăn của nền kinh tế như: Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm đáng kể; rủi ro nợ công; dầu thô giảm chỉ có 12% trong năm 2015, nợ công dự kiến tăng 64% trong năm 2015, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng "đây là những điều đáng suy nghĩ và lo lắng”. Theo bà Công, căn nguyên của vấn đề chính là do mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng dựa vào tài nguyên, nguồn vốn quá lâu, trong khi năng suất lao động thấp từ đó dẫn đến hiệu quả đầu tư còn nhiều bất cập. "Vì vậy chính sách cho nông nghiệp nông thôn cần được nghiên cứu tốt hơn, đặc biệt lúa gạo, nông sản phải được khép kín từ thu mua, tiêu thụ”- theo bà Công.
Là ĐBQH tỉnh Thái Bình- một vựa lúa của khu vực phía Bắc, ĐB Phạm Xuân Thường nói: "Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng năm nào cũng nghe câu được mùa rớt giá lặp đi lặp lại. Mỗi năm lại một sản phẩm, nhưng giải pháp chưa thực hiện được”. Theo ĐB, nguyên nhân chính là từ những bất cập trong quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm, đề nghị Chính phủ quan tâm khắc phục.
Ảnh: Hoàng Long
Gỡ khó bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới
Đó là vấn đề được ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh) đặt ra khi tìm biện pháp gỡ khó cho nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến trong thời gian vừa qua. Ông Thiện phân tích: Sản xuất nông nghiệp đang rất khó khăn, trong khi đây là nền tảng cho các sản xuất khác, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. "Chuỗi giá trị nghĩa là gắn kết nhau, sản xuất phải theo chuỗi giá trị. Tất cả các khâu đều phải có trách nhiệm, ai là người gắn kết các chuỗi giá trị này? Chính vì vậy mô hình hợp tác xã kiểu mới là phù hợp, là giải pháp tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam. Thực tế xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới đã được một số nước trong khu vục đã áp dụng, ví dụ như Hàn Quốc khi thu hút người nông dân, với 90% người nông dân là thành viên, xã viên và đã đạt được nhiều thành công”- ông Thiện nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, cần thực hiện 2 nhóm giải pháp. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung kỹ hơn về quy hoạch, sản xuất, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn cho nông dân. Cần tổ chức xây dựng mô hình tập hợp nông dân, không đi theo mô hình sản xuất manh mún như hiện nay, cũng như đầu tư công nghệ sau thu hoạch. Còn Bộ Công thương cần xác định thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cần làm quy hoạch trong vấn đề tiêu thụ, vai trò kết nối cung cầu.
Yếu tố con người trong cải cách hành chính
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Không nên để người dân "tự xử” Chính phủ chỉ đạo Bộ ngành quản lý định hướng công tác quy hoạch sản xuất nông sản, không nên để người dân "tự xử” như hiện nay nghĩa là tự nuôi, tự trồng, tự bán dẫn đến được mùa mất giá là chuyện tất nhiên. Năm nào cũng bình ổn giá gạo, đây chỉ xem là giải pháp tạm thời, cần phải xử lý tận gốc vấn đề nghĩa là phải đầu tư giống lúa, kỹ thuật trồng để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Mặt khác, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường dự báo thị trường, dự báo phân khúc thị trường để người dân, doanh nghiệp không phải loay hoay tìm thị trường như hiện nay. Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp triển khai quá chậm. Đến giờ các địa phương vẫn loay hoay chưa biết trồng cây gì? nuôi con gì thích hợp. Về vấn đề quản lý giá, mặc dù Bộ Công thương giải thích nhiều, nhưng cách làm chưa ổn, chưa thuyết phục được cử tri như tình trạng giá xăng dầu vẫn đi ngược với giá thế giới. |
Dẫn chứng việc 69% doanh nghiệp mất chi phí phi chính thức để hoàn thiện thủ tục, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, đây là điều đáng suy nghĩ. Do vậy cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và phải dựa trên 3 vấn đề gồm: thủ tục, quy trình, bộ máy. "Thủ tục hành chính cũng chính là con người tham gia vào guồng máy. Cần có sự thay đổi đồng bộ mới có bước đột phá nói chung. Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo thì chỉ trong 6 tháng số giờ nộp thuế đã giảm xuống đáng kể. Như vậy là các cơ quan trước đó đã nhận thức được vấn đề nhưng có điều chưa muốn làm. Chỉ khi có chỉ đạo thì mới vào cuộc”- bà Hường cho hay.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị, cần đẩy mạnh thủ tục hành chính về thuế, hải quan để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, cải cách cơ chế căn bản gắn với chế độ tiền lương hiện nay để đảm bảo mức sống của người lao động thu hút nhân tài. Ông Hùng nói: Trả lương thấp là rất nguy hiểm. Trả 2-3 triệu/1 tháng thì đến 10 giờ sáng xã đã không có cán bộ, thế thì lấy đâu ra người giỏi? Một trưởng phòng công nghệ thông tin của 1 ngân hàng, hàng ngày có hàng triệu giao dịch. Lương tháng nước ngoài họ trả 20 ngàn USD, thuế thu nhập cá nhân là 8%, còn ở ta trả 8 ngàn USD, lại bị thuế 35% nên họ không muốn về làm. Tất cả các cái đó không thu hút được người tài.
Đề cập đến vấn đề bộ máy, Theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), vấn đề chất lượng, bố trí sắp xếp bộ máy không hợp lý nên tình trạng 30% công chức cắp ô là bình thường. "Tôi nghe báo cáo mà giật mình, có cơ quan 10 năm thành lập mà không có việc gì làm, nhưng không có một đồng ngân sách thừa trả lại, tại sao lại có tình trạng như vậy?”- ông Thường nêu vấn đề. Trong khi đó, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cũng đề nghị, Chính phủ cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút được các nguồn lực cho phát triển. "Ta phát triển vẫn phụ thuộc lớn vào vốn, nên cần huy động được không thì sẽ dễ tụt hậu”- ông Thụ nói.
Hoài Vũ
Theo daidoanket.vn