Hợp tác xã sẽ là mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN
Để phát triển nông nghiệp thành phố, bên cạnh việc trồng cây gì, nuôi con gì thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là lựa chọn phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp như thế nào để mang lại hiệu quả. Đây là vấn đề được ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh đặt ra tại Hội thảo Mô hình đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp thành phố từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/12.
Dẫn chứng từ số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong vài năm gần đây lao động nông nghiệp ở Tp.Hồ Chí Minh đã có sự sụt giảm mạnh, từ 5% trong năm 2000 xuống còn 1% vào năm 2016 (khoảng 22.5000 hộ). Mặt khác, qua thống kê, 77% doanh số nông nghiệp thành phố là từ hộ cá thể, 15% liên kết với doanh nghiệp, 5% từ hợp tác xã và 3% từ trang trại. Tuy nhiên, về lâu dài hộ cá thể không phải là mô hình sản xuất tối ưu trong nền kinh tế thị trường. Việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản được khuyến khích và trân trọng nhưng cũng không phải là cứu cánh.
Bài học từ các nước cho thấy, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã mới là hướng phát triển chủ yếu. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua hợp tác xã để giải quyết bài toán thị trường. Hộ cá thể không biết thị trường cần gì, như thế nào, chất lượng ra sao, trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có lượng hàng hóa nhất định, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, phải có xuất xứ hàng hóa. Những điều này chỉ hợp tác xã mới đáp ứng.
Thêm vào đó, để tiếp cận nguồn vốn nhằm mở rộng sản xuất, hợp tác xã cũng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn hộ cá thể nhờ có kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm... Với các tiến bộ kỹ thuật mà cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp chuyển giao thông qua hợp tác xã sẽ thuận lợi rất nhiều. Thế mạnh của hợp tác xã không chỉ là đầu mối tiêu thụ nông sản, mà còn là lưu kho, sơ chế, chế biến… trước khi tiêu thụ; cung cấp vật tư, đầu vào giúp giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho từng thành viên hợp tác xã.
Với những ưu thế mà mô hình hợp tác xã mang lại, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, Tp.Hồ Chí Minh muốn duy trì sự phát triển nông nghiệp thì phải chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể sang hợp tác xã.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng khẳng định, hợp tác xã là mô hình sản xuất nông nghiệp tất yếu của thị trường. Các kết quả khảo sát cho thấy, lợi nhuận của nông dân sau khi gia nhập hợp tác xã đã tăng lên 30-35% so với trước đó. Điều này cho thấy lợi ích thiết thực của nông dân khi tham gia vào mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Tp.Hồ Chí Minh hiện có 230 tổ hợp tác, trong thời gian tới cần tập trung nâng cấp 10%-20% trong số này lên hợp tác xã. Mặc dù hiện nay, thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã mới thành lập, nhưng cũng cần thận trọng khi thành lập mới, đảm bảo sự hiệu quả và hoạt động lâu dài của các hợp tác xã. Muốn vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Sở ngành liên quan cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu được lợi ích thiết thực cũng như có mô hình chứng minh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 41 hợp tác xã nông nghiệp với 2.235 thành viên, bình quân 54 thành viên/hợp tác xã. Tp.Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch xây dựng 7 hợp tác xã nông nghiệp điển hình ở 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Ngoài mô hình hợp tác xã, trong thời gian tới, Tp.Hồ Chí Minh cũng tiếp tục phát triển mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo hướng giảm dần hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản với nhiều hình thức liên kết đa dạng, linh hoạt phù hợp với lợi thế từng địa bàn, vùng sản xuất, tập trung vào lĩnh vực sản xuất giống cây – con chất lượng cao. Đơn cử như: chuỗi liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp; chuỗi liên kết hộ nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho biết, để các mô hình trên hoạt động thực sự hiệu quả, đơn vị này đã đề xuất chủ trương thí điểm ngân sách thành phố trả lương cho cán bộ có trình độ về làm quản lý hợp tác xã nông nghiệp, với mức lương 3.750.000 đồng/người/tháng (mức lương tối thiểu vùng I hiện nay) x 3.0 (hệ số lương của cán bộ công chức đã có thời gian công tác tối thiếu 6 năm) = 11.250.000 đồng/người/tháng, với thời gian hỗ trợ không quá 36 tháng.
Đồng thời, ưu tiên đào tạo nâng cao kỹ thuật, cập nhật thông tin, kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ trong và ngoài nước, kỹ năng thực hành ứng dụng cộng nghệ cao cho đội ngũ cán bộ, thành viên hợp tác xã; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã; đề xuất khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã sẽ được thành phố hỗ trợ 100% lãi vay tính trên giá trị hợp đồng…/./