Thông qua các điều hành vĩ mô để giảm tính hấp dẫn của vàng chính là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực trong dân
Tại kỳ họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu giải pháp huy động vốn trong dân. Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
Coi chừng tác động ngược
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, cùng với đó là tâm lý (văn hóa) nắm giữ các tài sản tài chính (như vàng, ngoại tệ, bất động sản) trong dân đã tồn tại từ lâu và coi đây là những kênh trú ẩn, bảo toàn giá trị thì việc huy động được các nguồn lực như vàng là không dễ dàng.
Sau các nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt thời gian qua của NHNN với thị trường vàng và ngoại tệ, hiệu quả mang lại ai cũng nhìn thấy và không thể phủ nhận là sự ổn định đạt được. Do đó theo các chuyên gia, để đề ra giải pháp nào đó nhằm huy động nguồn vốn trong dân trong bối cảnh hiện tại cần phải rất cân nhắc, nghiên cứu vô cùng kỹ lưỡng, tránh các tác động ngược hay lại phải điều chỉnh về sau này.
Đơn cử với nguồn lực vàng trong dân (lên tới 500 tấn theo một số nhận định), các công cụ và biện pháp trực tiếp tác động đến thị trường này dường như không còn nhiều. Trong đó, một giải pháp thỉnh thoảng lại được “xới” lại là nên thành lập sàn vàng quốc gia. Dù không thể khẳng định rằng, những quan điểm ủng hộ giải pháp này là sai, nhưng ít nhất về mặt thời điểm thì dường như chưa hợp lý.
“Tôi cho rằng giải pháp lập sàn vàng là không nên”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH nêu quan điểm. Bởi, một mặt chúng ta không biết chính xác con số vàng trong dân thực sự là bao nhiêu, mặt khác là dù có lập ra sàn vàng thì ai dám chắc người dân sẽ qua kênh đó để mua, bán, hay họ vẫn đi “chợ cóc”? Trong khi đó, nguy cơ tăng độ vàng hóa trong nền kinh tế là hiện hữu, khi mà người dân có thể hiểu về mặt thông điệp đưa ra nếu lập sàn vàng là Nhà nước muốn khuyến khích, tăng độ hấp dẫn hơn với thị trường này.
Một biện pháp mang tính trực tiếp tác động đến thị trường vàng mà nhiều người cũng nói tới, đó là có thể NHNN đứng ra và ủy quyền cho các NHTM phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, khi người dân mang vàng đến gửi sẽ nhận được chứng chỉ này theo từng kỳ hạn mà họ mong muốn với điều kiện “gửi vàng, trả vàng”. Chứng chỉ này có thể cầm cố, chuyển nhượng, mua đi bán lại… ý tưởng này có vẻ “ổn” vì vừa giúp cho người dân có vàng an toàn hơn so với tự cất giữ và thậm chí có thể được hưởng một chút lãi suất, vừa giúp tăng thanh khoản thị trường, trong khi Nhà nước huy động được nguồn vàng trong dân.
Nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia TC-NH, để thực hiện giải pháp này phải nghiên cứu rất kỹ về tiêu chí, tiêu chuẩn vàng gửi vào như thế nào? các quy định về cầm cố, chuyển nhượng, thế chấp liên quan đến chứng chỉ này cần được nghiên cứu xây dựng cụ thể và khả thi; cơ chế trả lãi suất có không, nếu có thì cơ sở và cách tính như thế nào?
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quan trọng nhất là vấn đề xử lý rủi ro ra sao. Bà Mùi nói: “Nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Ai cũng biết nếu chỉ nhìn về mặt số học, huy động được vàng về để đưa vào đầu tư kinh doanh sẽ tốt cho nền kinh tế. Nhưng trước đó phải trả lời cho được câu hỏi là khi rủi ro thì sẽ phải xử lý thế nào? Như vừa qua, chỉ trong một ngày giá vàng sụt mất cả vài triệu đồng mà không có các công cụ phòng chống rủi ro thì rất nguy hiểm”.
Bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống.
Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu (như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay), sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hịện tượng vàng hóa trở lại. Trong thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Chúng tôi cho rằng, NHNN cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết.
(Trích Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 – VEPR)
Ổn định mới là gốc vấn đề
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, bài toán huy động vàng rất hóc búa. Bởi tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt ở nông thôn là rất khó thay đổi nên dù lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống thì người ta vẫn có thói quen tích trữ, coi đây là tài sản để dành.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là NHNN phải tính toán rất kỹ nếu đứng ra “vay vàng” của dân. Dù cam kết huy động vàng theo nguyên tắc “lượng trả bằng lượng”, vàng trả lại bằng vàng nhưng giả sử vàng khi vay có giá 30 triệu đồng/lượng, song thời điểm trả lại tới 50 triệu đồng/lượng thì xử lý rủi ro ấy thế nào?
“Phát hành chứng chỉ vàng để huy động thực ra về bản chất cũng không thay đổi so với huy động trực tiếp vàng vật chất”, theo TS. Độ. Tức là đã vay vàng thì trả lại cũng phải bằng vàng. Nên nếu giá cả có biến động thì phải chịu trách nhiệm về biến động ấy.
Dĩ nhiên, nếu khi trả lại cho dân với giá vàng chỉ tương đương lúc nhận hoặc thấp hơn thì không vấn đề gì. “Nhưng làm chính sách thì rõ ràng không thể trông vào hy vọng, kỳ vọng kiểu “đánh bạc” để đưa ra giải pháp như vậy”, ông Độ nói. Đó là chưa kể, biến động giá vàng trong nước còn rất phụ thuộc vào thị trường quốc tế - nhân tố khách quan mà các cơ quan quản lý trong nước khó có thể làm gì để tác động ngoại trừ cố gắng để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” của giới đầu cơ trong nước.
Trong khi các giải pháp trực diện để huy động nguồn lực trong dân không có nhiều và nhìn nhận trước thấy các rủi ro như vậy thì vẫn có những giải pháp gián tiếp khác sẽ mang tới hiệu quả lâu dài và bền vững. Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ , tỷ giá, thị trường vàng một cách đồng bộ, linh hoạt sẽ giúp góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô.
Từ đó, tính ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng sẽ tiếp tục được củng cố và giúp gia tăng hơn nữa niềm tin vào tiền đồng. Đồng thời với đó, Chính phủ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo nghiên cứu phát triển thêm các công cụ tài chính hấp dẫn và an toàn để người dân có thêm kênh đầu tư, từ đó có thể “tự nguyện” bán vàng ra để đầu tư vào các công cụ này.
Theo PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), thực chất đấy cũng chính là những giải pháp giúp giảm tính hấp dẫn của vàng, qua đó lượng vàng trong dân sẽ tự động giảm dần. “Quan điểm của tôi là, muốn loại bỏ găm giữ vàng thì phải vô hiệu hóa lợi ích của việc găm giữ đó.
Còn với bất kỳ sự trở lại các hình thức huy động trực tiếp bằng vàng nào cũng sẽ dẫn đến sự quay lại hay gia tăng tình trạng vàng hóa”, ông Đức khẳng định, đồng thời cảnh báo: “Điều đó có thể khiến trong công chúng sẽ lại xuất hiện những nhận định về sự khan hiếm và cảm nhận lợi ích của việc nắm giữ vàng để đổ xô mua vàng, mà xét cho cùng sẽ rất rủi ro cho tất cả các chủ thể liên quan đến huy động vốn bằng vàng”.
Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng một cách đồng bộ, linh hoạt sẽ giúp góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô. Từ đó, tính ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng sẽ tiếp tục được củng cố và giúp gia tăng hơn nữa niềm tin vào tiền đồng.
Theo Đỗ Lê
Thời báo Ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn