Thương hiệu thạch Long Hải đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng. Theo thống kê, thị phần thạch của Công ty TNHH Long Hải (Hải Dương) chiếm khoảng 20% trên thị trường cả nước.Tuy nhiên, để có vị trí vững chãi với khách hàng như hiện nay, Long Hải cũng đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Riêng về quy trình quản lý, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Long Hải cho biết trong thời gian đầu, công ty hoạt động kém hiệu quả do hệ thống phối hợp giữa các đơn vị được hình thành một cách tự phát, rời rạc; việc kiểm soát nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng gặp nhiều hạn chế.
Nhận thấy tình trạng hoạt động còn nhiều lỗ hổng, từ năm 2009, ban lãnh đạo công ty đã xem xét lựa chọn áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005. Một bước phát triển mới đã đến Công ty TNHH Long Hải.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Long Hải (Hải Dương).
“Trong quá trình thực hiện hệ thống quản lý chất lượng thì công ty như có một cái đà để phát triển. Lãnh đạo công ty trao quyền cho các đơn vị phân cấp, tự chủ trong sản xuất bằng hệ thống văn bản quy trình quy phạm thống nhất giữa các đơn vị, giữa lãnh đạo với các bộ phận sản xuất, giữa các bộ phận sản xuất với công nhân trực tiếp sản xuất. Việc áp dụng ISO 22000:2005 một cách nghiêm túc giúp công ty có hệ thống quản lý sản xuất tốt, tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tiêu hao, sản phẩm hư hỏng, nâng cao chất lượng sản phẩm.” – Ông Dũng cho biết.
Giống như Công ty TNHH Long Hải, công ty TNHH Phong Sơn (Lâm Đồng) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mật ong, cũng đạt được hiệu quả cao khi áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm 22000. Không chỉ đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm ở trong nước, tạo được niềm tin với khách hàng, ISO 22000 còn tạo điều kiện cho Phong Sơn vượt qua các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Tiến hành đánh giá chứng nhận ISO 22000:2005 từ một tổ chức chứng nhận độc lập là một hoạt động cần thiết cho các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005 giúp các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu luật định và chứng minh khả năng kiểm soát được mối nguy hại về an toàn thực phẩm để đảm bảo rằng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, thông qua hoạt động chứng nhận, các doanh nghiệp có thể được nhận các kiến nghị cải tiến từ các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Khu vực nhà kho của xưởng sơ chế mật ong của Phong Sơn, chi nhánh tại Bình Dương.
Công ty cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) là doanh nghiệp hiện đang sở hữu các nhãn hiệu thức ăn chăn nuôi Bio-zeem, Con cò và ANCO cũng đã nhận được các chứng chỉ ISO 22000 và HACCP về hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm cho toàn bộ chuỗi 12 nhà máy trực thuộc công ty do tổ chức Bureau Veritas Việt Nam (BV) chứng nhận.MNS là một trong những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu ở Việt Nam, có số lượng nhà máy nhiều nhất từ Nam tới Bắc, vì thế việc chuẩn hóa quy trình quản lý để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng bộ và tối ưu hóa chi phí vận hành là rất cấp thiết, nhất là khi chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển liên tiếp tăng cao, giá bán lại thấp do giá thịt heo giảm ở mức kỷ lục và sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Từ tháng 6/2017, toàn hệ thống MNS bao gồm 12 nhà máy đặt tại các tỉnh như Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai (3 nhà máy), Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long bắt đầu sản xuất và tuân thủ cùng một quy trình sản xuất, tiêu chuẩn nguyên liệu, tiêu chuẩn thành phẩm và quy trình kiểm soát chất lượng đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra.
Hệ thống quản lý được tinh giản gọn nhẹ, chặt chẽ để đảm bảo vận hành hiệu quả và nhanh chóng, toàn thể nhân viên hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của mình nên chủ động hơn trong xử lý công việc.
MNS là một trong những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt nhiều chứng chỉ về ATTP trong đó có ISO 22000.
Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Công ty Masan Nutri-Science chia sẻ: “Chúng tôi không ngừng nỗ lực cải thiện quy trình quản lý nhằm nâng cao hiệu suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, qua đó góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đó là lý do vì sao chúng tôi áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn 22000 và HACCP. Tiếp theo, chúng tôi đang tiến hành lấy chứng chỉ Global Gap cho các nhà máy”.
Sau 6 tháng áp dụng quy trình quản lý mới, số lượng khiếu nại của khách hàng của MNS giảm 67%, chứng tỏ rằng chất lượng dịch vụ sản phẩm của MNS đã được cải thiện đáng kể trong mắt khách hàng.
Việc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, MNS đang đặt những nền tảng ban đầu trong việc tích hợp hoàn chỉnh mô hình 3F vào chuỗi giá trị thịt và các sản phẩm từ thịt đầu tiên tại Việt Nam. Người chăn nuôi và người tiêu dùng Việt Nam không chỉ được lợi từ giá hợp lý hơn mà còn đảm bảo các sản phẩm thịt làm ra từ thức ăn chăn nuôi của MNS an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về thịt sạch.
ISO 22000:2005 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành. Tiêu chuẩn ISO 22000: 2005 (gọi tắt là ISO 22000) quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu sản xuất nguyên liệu cho tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời, ISO 22000 cũng tích hợp với nguyên tắc phòng ngừa mối nguy an toàn thực phẩm là HACCP. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 hiện đang được áp dụng rông rãi trên 150 nước, trong đó có Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn