Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm cam của Con Cuông tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư tổ chức tại Nghệ An tháng 2 năm 2017. Ảnh: Trân Châu |
Cam Con Cuông là loại cam thơm ngọt đã có thương hiệu trong tiêu dùng của người dân xứ Nghệ. Trong lần khảo sát tìm các mô hình hỗ trợ, đầu tư, ấn tượng trước sản phẩm cam có vị thơm ngon tại bản Pha, xã Yên Khê, tổ chức JICA phối hợp Viện Nghiên cứu ngành nghề nông nghiệp Việt Nam đã chọn các hộ dân để xây dựng vườn cam sinh thái và hỗ trợ người dân các loại máy móc, thiết bị để chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị từ cam. Cơ sở chế biến được hình thành với sự quản lý của nhóm sản xuất cam và các đặc sản từ cam theo quy trình sạch.
Sản phẩm mới đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Tăng Ngọc Sơn - tổ trưởng tổ sản xuất cam đặc sản cho biết thêm: Chiều ngày 2/3/2017, đoàn JICA đã đến bản Pha, Yên Khê để nghiệm thu dự án, ai cũng đánh giá rất cao kết quả thực hiện. Chúng tôi vui mừng khi đoàn đã mua hết toàn bộ sản phẩm chúng tôi sản xuất gồm mứt cam, hàng trăm chai rượu, sirô cam... để mang đi giới thiệu.
Thu hái cam tại vườn sinh thái. Ảnh: Tường Vi |
Nằm trong dự án du lịch cộng đồng được triển khai năm 2016, dự án đã chọn cây cam là cây đang có hiệu quả ở Con Cuông để mở ra một hướng đi mới cho người dân xóa đói giảm nghèo. Dự án hỗ trợ trên diện tích 5 ha theo mô hình du lịch sinh thái. JICA hỗ trợ cho nhóm biển chỉ dẫn, túi đựng hái cam, giỏ hái cam trong vườn cam sinh thái, đầu tư máy lọc rượu, dụng cụ pha chế rượu, máy đóng nắp chai, máy dập date, máy sấy vỏ cam, máy xay vỏ cam để nấu tinh dầu, nồi nấu tinh dầu, máy ép miệng túi... để hoàn thiện các sản phẩm. Tiếp cận với cách làm mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi và chỉ mong làm thế nào để tiến hành sản xuất ra được nhiều sản phẩm.
Để có những thành phẩm thơm ngon từ cam, các hộ trồng cam ở Con Cuông đã ứng dụng KHKT, trồng cam theo quy trình VietGAP, sử dụng giống cam Valenxia và cam Vân Du là 2 giống cam ngon hiện nay. 5 hộ cũng đầu tư hệ thống tưới, bể nước tưới để nâng năng suất cam đạt 25 tấn/ha. Các chế phẩm vi sinh, thuốc BVTV đều tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Ông Tăng Ngọc Sơn cũng cho biết thêm tổ sản xuất đang hoàn tất các thủ tục về an toàn thực phẩm và mã số, mã vạch để chuẩn bị sản xuất cung ứng ra thị trường, nhất là dịp 30/4, 1/5 sắp tới nhằm cung ứng cho khách du lịch về với Con Cuông và về với Nghệ An.
Với công nghệ mới và không phức tạp, các sản phẩm được chế biến từ cam sạch gồm mứt vỏ cam, rượu men cam, rượu cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, sirô cam... ở Con Cuông đã thành công. Sản phẩm được bán trực tiếp tại xưởng và vinh dự được tham gia giới thiệu tại Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư của Nghệ An vào tháng 2 vừa qua.
Máy sấy mứt cam - Ảnh: Tường Vi |
Hiện nay, huyện Con Cuông có gần 300 ha, trong đó gần 200 ha cam tập trung tại xã Yên Khê, năng suất bình quân trong vụ thu hoạch năm 2016 đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn. 1 ha cam bán quả được hơn 500 triệu đồng, lãi 350 triệu đồng. Giá thấp nhất tại vườn là 20.000 đồng, có khi lên đến 50.000 đồng/kg.
Mục tiêu được huyện đặt ra là đến năm 2020 diện tích cam đạt 450 ha, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Yên Khê, Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Bồng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn. Cùng với việc mở rộng quy mô diện tích trồng cam, huyện cũng từng bước khẳng định nhãn hiệu cam Con Cuông đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ cam.
Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - ông Vi Văn Sơn khẳng định, huyện Con Cuông sẽ hỗ trợ tổ nhà xưởng, vị trí để giới thiệu sản phẩm đồng thời cam kết với JICA về việc giữ và phát huy thành quả của dự án, phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng để bà con được hưởng lợi.
Theo Châu Lan - Tường Vi/ Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn