Trước lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng rau củ, trái cây bán ngoài thị trường, người trồng đã tìm cách kéo khách hàng về tận nơi xem quy trình trồng. Từ đó xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm sau này.
Chứng minh thực tế
Một buổi trưa cuối tháng 9, ngoài đường nắng như đổ lửa, người mệt phờ nhưng chỉ vài phút sau khi ghé vào trang trại rau nằm sâu trên đường Bùi Thị Điệt (ấp 3, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi), ai cũng thấy khỏe hẳn nhờ không khí trong lành. Đây là một trong nhiều nông trại của HTX Thỏ Việt. Lúc này, nông trại đang đón đoàn khách của Hội Điện ảnh TP HCM đi thực tế sáng tác.
Tại khu nhà tranh, bàn ghế đều bằng tre, tiệc buffet đang được chuẩn bị từ những nguyên liệu vừa thu hoạch. Dưới ao, 2 “nông dân” đang thả lưới bắt cá, một nhóm khác thì ra vườn hái bông so đũa để chuẩn bị cho món canh chua.
Trong lúc tất bật để chuẩn bị món, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, tranh thủ khoe cá dưới ao là tự nhiên 100% theo con nước từ kênh Đông vào chứ không phải cá nuôi khiến nhiều người thích thú.
Bà Ngọc cho biết do trang trại nằm trên tuyến đường về địa đạo Củ Chi nên từ trước đã có nhiều đoàn khách ghé thăm, nay HTX đầu tư thêm một số hạng mục như nhà hàng, ao cá, lò tráng bánh và đặc biệt là khu nhà vệ sinh khang trang để việc đón khách được chuyên nghiệp hơn.
Ngoài khách du lịch còn có lượng khách lớn là học sinh từ các trường phổ thông đến thực hành môn sinh học và nhóm khách gia đình đến thuê đất trồng rau thư giãn.
“Để xây dựng thương hiệu rau sạch, đạt chứng nhận VietGAP, bà con nông dân phải nỗ lực rất nhiều nhưng hiện nay, sản lượng ra thị trường mang thương hiệu Thỏ Việt còn rất ít. Vì thế, HTX bắt đầu mở rộng kênh phân phối hàng trực tiếp đến các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn và cả khách lẻ. Được tận mắt chứng kiến quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch ở vườn, khách hàng sẽ có niềm tin vào sản phẩm do HTX cung cấp và yên tâm đặt hàng về sau này” - bà Ngọc nói.
Được biết, sản phẩm của HTX Thỏ Việt hiện nay lên đến 200 mặt hàng rau quả, trái cây để người tiêu dùng chọn lựa và với đơn hàng từ 150.000 đồng trở lên, khách được giao hàng miễn phí tận nơi.
Trồng cây qua mạng
Từ cơn sốt game nông trại vui vẻ trên các mạng xã hội, Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vườn nằm trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, mở dịch vụ “đồng hành cùng nhà nông”. Theo đó, với 250.000 đồng, khách hàng sẽ nhận được một cây dưa lưới con với cam kết sau 3 tháng cho ra quả ít nhất là 2 kg.
Cây được trồng tại vườn của doanh nghiệp, hình ảnh được cập nhật gửi qua email khách hàng hằng tuần đồng thời chủ nhân của cây cũng có thể ghé thăm và tự tay chăm sóc nếu muốn. Khi trái chín, công ty sẽ mời khách đến thu hoạch, nếu khách bận, nhân viên công ty sẽ hái và giao tận nhà.
Ông Nguyễn Minh Nhân, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Vuông Tròn, cho biết dưa lưới trồng nhà màn là loại quả có giá trị cao (giá thị trường khoảng 100.000 đồng/kg), được nhiều người tiêu dùng ưa thích nhưng họ có tâm lý hoài nghi, sợ bị trộn. Vì thế, công ty tìm cách “kéo” khách hàng đến vườn để họ có niềm tin.
“Trước giờ, nông sản thu hoạch xong mới đến khâu tiêu thụ, bán sỉ còn phải thanh toán gối đầu nhưng với phương thức bán hàng này, chúng tôi thu tiền trước 3 tháng” - ông Nhân phân tích.
Theo các khách hàng tham gia dịch vụ này, Công ty Vuông Tròn đã rất khéo trong việc “kinh doanh cảm xúc của người tiêu dùng”, nhờ thế họ sẵn sàng rút hầu bao để có được quả dưa do chính mình trồng dù giá không hề rẻ. Tại mỗi đợt hái quả, họ rất hào hứng trong việc tận tay thu hoạch, chụp ảnh khoe với mọi người.
“Sắp tới, nếu công ty mở rộng thêm sản phẩm, giá thấp hơn thì sẽ còn nhiều người tham gia” - anh Vương, một khách “trồng cây qua mạng”, nhận định.
Cách làm sáng tạo
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đầu ra cho rau củ quả trong nông nghiệp đang là vấn đề rất “cấp bách” do công nghệ sau thu hoạch còn rất yếu, sản phẩm thu hoạch xong phải bán ngay. Vì thế, ý tưởng kinh doanh của 2 đơn vị trên là cách làm sáng tạo cần được khuyến khích phát triển. “Tôi cùng các cộng sự đang phối hợp với một số nhà vườn và chính quyền địa phương các tỉnh miền Tây xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản, trong đó có mô hình du lịch sinh thái tương tự như trên nhưng đẩy mạnh thêm phần “chơi” và sản phẩm quà lưu niệm ngoài phần “ăn” để thu hút khách” - TS Mai cho biết.
Theo nld.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn