TBKTSG: Chủ trương của trường Đại học Cần Thơ về việc ứng dụng NNCNC ra sao, thưa giáo sư?
- GS.TS. Hà Thanh Toàn: Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu cùng với chủ trương phải tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chúng ta phải ứng dụng NNCNC trong canh tác nông nghiệp và thủy sản.
Trường Đại học Cần Thơ đang chuẩn bị đồng thời về con người, cơ sở vật chất và kế hoạch liên kết để thực hiện được các chương trình, dự án liên quan tới vấn đề này phục vụ cho ĐBSCL và nhiều địa phương khác trong nước. Tất cả đầu tư của trường về NNCNC là phải gắn liền với thực tiễn để thầy cô và sinh viên thực hành, đồng thời liên kết với các địa phương và doanh nghiệp.
TBKTSG: Cụ thể, trường đang làm những gì?
- Trường đã tập hợp đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và chuyên viên liên quan lĩnh vực này, lập Ban Chỉ đạo ứng dụng NNCNC, do một phó hiệu trưởng phụ trách. Ban này sẽ tư vấn cho nhà trường việc hỗ trợ cho các tỉnh, thành, các doanh nghiệp, nhất là ở ĐBSCL, để triển khai về NNCNC.
Như vậy là chuẩn bị đội ngũ quản lý trước. Sau đó xây dựng chương trình đào tạo mới cho năm học 2019, đào tạo kỹ sư NNCNC. Chương trình sẽ đào tạo bốn năm, do khoa Nông nghiệp và Ứng dụng sinh học cùng với khoa Thủy sản và nhiều đơn vị khác xây dựng để bắt đầu tuyển sinh vào năm sau. Ngoài ra, trong dự án ODA về nâng cấp nhà trường đạt chuẩn xuất sắc (giai đoạn 2016-2022, trị giá 106 triệu đô la Mỹ) cũng có ba chương trình đào tạo thạc sĩ NNCNC. Đó là chương trình nông nghiệp, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường ĐBSCL, đặc biệt với vùng ven biển ngập mặn.
Thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hành thực tập và giảng dạy cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ. Trường Đại học Cần Thơ đang xây dựng các trung tâm NNCNC để sinh viên và thầy cô giáo được liên kết với các địa phương và doanh nghiệp thực tập.
Nông nghiệp công nghệ cao mà vẫn làm nông theo kiểu riêng lẻ thì khó phát triển. |
Những trung tâm này cũng sẽ nối kết trực tiếp với nhiều trường đại học trên thế giới. Thí dụ Đại học Won Kwang của Hàn Quốc sẽ cùng Đại học Cần Thơ xây dựng trung tâm NNCNC tại Măng Đen, tỉnh Kon Tum, nơi mà Đại học Cần Thơ vừa nhận được 25 héc ta đất để xây dựng khu NNCNC, trong đó trích một phần đất để liên kết với Đại học WonKwang làm. Tháng 10 tới sẽ xây dựng trước các trạm trại, nhà lưới theo công nghệ của Hàn Quốc và họ sẽ cử một giáo sư qua vận hành trung tâm này.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang liên kết với Đại học Cần Thơ xây dựng một khu chuyên trồng các loại cây theo nhu cầu nhập khẩu của Nhật. Thí dụ như cà chua mini Cobi, vì Nhật không có điều kiện trồng vào mùa đông; họ sẽ qua khu này để canh tác cà chua Cobi rồi xuất thẳng về Nhật. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ nối kết với Đài Loan và Thái Lan trong việc này.
Quan trọng hơn là qua đó chúng ta xây dựng được thị trường cho sản phẩm NNCNC do chúng ta sản xuất và xuất khẩu thẳng qua các nước.
TBKTSG: Riêng việc liên kết với các tỉnh ĐBSCL thì sao?
- Các tỉnh hiện đang đồng hành với trường Đại học Cần Thơ trong xây dựng các mô hình ứng dụng NNCNC. Như thành phố Cần Thơ cũng giao cho trường 10 héc ta đất trong khu NNCNC 100 héc ta ở huyện Cờ Đỏ để trường xây dựng mô hình gắn với trình diễn và gắn với du lịch sinh thái để phát triển những sản phẩm đặc sản của ĐBSCL, đặc biệt là Cần Thơ.
Hiện Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác toàn diện với 5 tỉnh, thành và 20 huyện ở ĐBSCL, đó là thành phố Cần Thơ và 4 tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang; sắp tới có thêm Bạc Liêu và Sóc Trăng. Với huyện, chẳng hạn vừa rồi chúng tôi đã ký với huyện Cù Lao Dung của Sóc Trăng. Nơi đây cây mía đang chuẩn bị phá sản, chỉ còn khoảng 4.000 héc ta so với hơn 9.000 héc ta trước đây vì không bán được, phải tái cơ cấu nông nghiệp. Trường đang kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để khai thác đất đai ở đây trồng cây khác thay cho mía. Thí dụ có doanh nghiệp muốn trồng mỗi năm khoảng 50.000 tấn ớt thì phải bố trí sản xuất thế nào cho phù hợp để kết nối với địa phương xây dựng hợp tác xã, giải quyết theo nhu cầu của doanh nghiệp. Hay với huyện Hồng Dân của Bạc Liêu, ở đây hiệu quả từ kỹ thuật nông nghiệp cao đã giúp thay đổi lớn, như mô hình trồng lúa Một Bụi Đỏ, nuôi cá chình... đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/héc ta/năm.
Rồi xây dựng các chuỗi giá trị từ giống cây trồng, canh tác ứng dụng những kỹ thuật công nghệ mới và nối kết với doanh nghiệp thế giới để xuất khẩu.
Tôi nghĩ mỗi vùng ở ĐBSCL sẵn có sản phẩm đặc thù mà thế giới không có, chúng ta cần áp dụng kỹ thuật NNCNC để sản phẩm có giá cao, có lợi cho nông dân.
TBKTSG: Đã có bài học nào từ thực tiễn cần nhấn mạnh, thưa giáo sư?
- Cần có diện tích đất đủ lớn để các doanh nghiệp cùng với nhà trường triển khai được các mô hình hợp tác xã kiểu mới để nông dân có cổ phần trong đó ngoài việc họ cho thuê đất. Như ở Cù Lao Dung, sắp có trung tâm thủy sản hơn 10 héc ta làm mô hình trình diễn sản xuất giống gắn với du lịch sinh thái.
Chúng ta đang cố gắng chuyển đổi một phần diện tích lúa không hiệu quả qua những mô hình canh tác đa dạng hơn và cây lúa không thể làm 3 vụ như trước. Sẽ xen canh giữa lúa - tôm, lúa - cá, lúa - hoa màu, rau quả có hiệu quả. Thí dụ đang xây dựng mô hình lúa - tôm ở U Minh, Cà Mau và Bạc Liêu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/héc ta.
Với NNCNC mà vẫn làm nông theo kiểu riêng lẻ thì khó phát triển. Nhật Bản là nơi làm rất tốt mô hình NNCNC trong hợp tác xã. Dù diện tích đất từng cá nhân của nông dân Nhật cũng thấp nhưng họ biết liên kết nhau để sản xuất ra sản phẩm đồng loạt, để được đầu tư kỹ thuật, công nghệ, nguồn lực con người gắn với phân phối sản phẩm.
NNCNC không chỉ là kỹ thuật mà quan trọng là tạo ra sản phẩm an toàn và sạch với chất lượng cao. Sản phẩm không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại. Và sản phẩm phải có chất lượng tốt, dinh dưỡng cao, có bao bì mẫu mã đẹp để đáp ứng các thị trường xuất khẩu khó tính.
Còn chọn công nghệ nào thì tùy thuộc thị trường nhập khẩu. NNCNC hiện nay phổ biến nhất là của Israel và Nhật Bản nhờ việc đầu tư nhà lưới và kỹ thuật canh tác phù hợp. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã đáp ứng được nhu cầu này.
TBKTSG: Vậy giáo sư có đề xuất gì để việc liên kết này thực sự hiệu quả?
- Tôi đã dự 4 hội nghị xúc tiến đầu tư của 4 tỉnh, thấy rằng tỷ lệ đầu tư cho NNCNC đang chiếm khá cao, hơn 20-30% so với trước đây vài năm là 1-2%. Hiện nhiều doanh nghiệp đang muốn khai thác đất đai phì nhiêu của ĐBSCL để làm ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị từ NNCNC. Vậy thì trước hết, trách nhiệm của chính quyền trong việc quy hoạch sản xuất là rất quan trọng. Các tỉnh phải chuẩn bị kỹ từ nguồn nhân lực, chính sách quản lý, hỗ trợ để đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.
Những cơ chế về hợp tác, xuất nhập khẩu, bao tiêu sản phẩm... thì Chính phủ đã có. Chúng ta phải biết liên kết làm nghiêm những quy định đó để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân bằng kỹ thuật công nghệ cao và bằng việc bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp
Theo the SGtime
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn