Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển nhận định: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 có sự “chuyển biến mạnh mẽ và đạt được kết quả đáng khích lệ”. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã có sự tiến bộ hơn những năm trước, góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước (NSNN) và trong dân cư cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm
Theo ông Phùng Quốc Hiển, một số lĩnh vực có sự “chuyển biến mạnh mẽ và đạt được kết quả đáng khích lệ”. Đó là công tác quản lý, sử dụng NSNN trong năm 2014 được Chính phủ điều hành linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm, cơ bản đã bảo đảm chi NSNN đúng mục tiêu, nội dung chi trong phạm vi dự toán được giao và chế độ, định mức quy định.
Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi khác chưa thực sự cấp bách, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ NSNN. Trong đó, có một số bộ, ngành có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ GTVT tiết kiệm được 480,5 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng tiết kiệm được gần 291 tỷ đồng; Bộ Tư pháp tiết kiệm được 86,7 tỷ đồng; Bộ KH&ĐT đã tiết kiệm được 50,7 tỷ đồng.
Ở khối doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty đã bổ sung các định mức kỹ thuật về tiêu hao nguyên vật liệu, định mức lao động, tiền lương, sử dụng máy móc và tiết kiệm được 11.129 tỷ đồng.
Lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng năm 2014 có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án quan trọng quốc gia hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Ủy ban TCNS nhận xét công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường trong tất cả các khâu, ưu tiên xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, tập trung vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, qua đó, đã sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực và đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý đầu tư công.
Năm 2014, cả nước đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 46.796 dự án hoàn thành, qua thẩm tra đã tiết kiệm được 2.299 tỷ đồng.
Về tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, sử dụng lao động khu vực Nhà nước, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy theo tinh thần tinh giản biên chế, cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Cải cách hành chính đạt kết quả khích lệ
Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo thuận lợi ở mức cao nhất, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo lập môi trường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cắt giảm được 290 giờ làm thủ tục về thuế cho người nộp thuế (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm) và sẽ giảm tiếp 80 giờ (từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm) khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ 1/1/2015. Tổng số giờ làm thủ tục về thuế được cắt giảm là 370 giờ.
Trong lĩnh vực hải quan, Luật Hải quan (sửa đổi) và hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS đi vào vận hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp; tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tiến tới kết nối theo Cơ chế một cửa ASEAN đã được đẩy nhanh hơn nhiều so với các năm trước; triển khai thành công Cổng thanh toán điện tử, trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa hải quan và ngân hàng thương mại.
Ngoài ra là những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đất đai, đầu tư...
Đánh giá chung về báo cáo thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí của Chính phủ, Ủy ban TCNS cho rằng, báo cáo nêu khá đầy đủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để khắc phục những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban TCNS đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đặt ra, như thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá...; khẩn trương triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ công; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời có cơ chế chính sách điều tiết phân phối để thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách, người nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Tập trung cải cách hành chính, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Đề án cải cách công vụ công chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.
Thành Chung
Nguồn: Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn