Không để đánh bắt kiểu tận diệt
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cho biết, ông đã có hơn 30 năm đi biển, đến tất cả các vùng biển của nước ta, có những đợt trên biển đến vài tháng. Từ thực tiễn đó, ông nhận thấy trong khoảng 10 năm nay nguồn thuỷ hải sản của nước ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất... đánh cả vào mùa cá sinh sản.
Mẻ cá lịch sử 160 tấn mà tàu của ngư dân Lê Văn Tuấn (Gio Linh, Quảng Trị) đánh bắt được tối 10.3. Ảnh: Ngọc Vũ
"Chúng tôi thấy, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản rất cần thiết, tuy nhiên cần tránh tình trạng biến tướng thành quỹ đầu tư nhiều tiền của Nhà nước và sinh ra bộ máy khổng lồ để quản lý”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT
|
“Trước kia chúng tôi đi biển, một ngày câu được rất nhiều cá, còn bây giờ tất cả các vùng biển từ Bạch Long Vĩ cho đến Phú Quốc..., hay các vùng ven biển khác cá đã không còn, chính vì vậy ngư dân của chúng ta đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài rất nhiều” – ông Minh thông tin.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cho hay, trong năm qua, có 16 tàu của ngư dân ta bị các nước trong khu vực bắt giữ, nguyên nhân chính là do nguồn lợi thuỷ sản của ta đã cạn kiệt, ngư dân sang vùng biển nước bạn đánh bắt.
Trước thực trạng đó, Thượng tướng Minh đề nghị trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về quản lý nhà nước, ở những khu vực nào được đánh bắt cá, mùa nào cấm đánh bắt, như mùa cá sinh sản những khu vực ven bờ, những khu vực bảo tồn. “Cần phải cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể để đánh bắt vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được, đôi khi đánh hết cả cá” – Tướng Minh góp ý.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cũng đề nghị cần tăng cường lực lượng kiểm ngư ở các địa phương ở khu vực ven biển cũng như trong khu vực thủy nội địa: “Trong nội địa, đến mùa cá đẻ, người đánh bắt mang kích điện đánh sáng rực cả dọc bờ sông, đánh như vậy nhưng chỉ được rất ít cá. Còn ở ngoài biển đánh hàng tấn thuốc nổ nhưng chỉ thu được vài tấn cá”.
Một vấn đề có nhiều ý kiến đó là quy định quỹ để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Thủy sản năm 2003 đã có quỹ này nhưng trong dự án luật mới đề xuất hai vấn đề, thứ nhất mở rộng cơ chế để xã hội hóa nguồn quỹ, thứ hai là thành lập quỹ cấp tỉnh.
“Hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường biển là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ của cấp tỉnh thì không thể xử lý được. Riêng sự cố môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung (do Formosa gây ra -PV), trong đề án phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái biển cần một khoản tiền khổng lồ. Nay mai nếu ở địa phương nào đó xảy ra ô nhiễm, không có quỹ cấp tỉnh làm sao xử lý được" - ông Cường lý giải.
Cần phát triển đánh bắt xa bờ
Ôông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề công nghiệp đánh bắt cá, đặc biệt là đánh cá bắt xa bờ đã nói rất nhiều nhưng dường như đến nay chúng ta chưa có đội đánh bắt cá xa bờ đàng hoàng. Tàu của ngư dân chủ yếu vẫn là tàu gỗ, nhỏ, chưa có nhiều tàu sắt.
Ông Bình đặt vấn đề, dự luật này đã đưa những quy định tạo điều kiện phát triển công nghiệp đánh bắt cá xa bờ chưa? “Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này, ở đây không chỉ có chuyện đánh cá mà còn là an ninh trên biển, bảo vệ vùng biển nước ta” - ông Bình nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, sửa luật này cần phải dựa trên Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020. “Trong Chiến lược biển đã xác định kinh tế ven biển phải chiếm đến 53% tổng GDP. Theo thống kê năm 2016, chúng ta mới đạt 7 tỷ USD từ hoạt động thủy, hải sản, rõ ràng kết quả so với nhu cầu phát triển là rất thấp, trong khi tiềm năng còn rất lớn” - ông Lưu đề cập
Theo ông Lưu, việc phát triển thủy, hải sản phải lưu ý ứng phó được với tác động của biến đổi khí hậu hiện nay. Ông nêu một thực tế, như ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu mực nước biển cứ dâng thì diện tích trồng lúa sẽ thu hẹp đi rất nhiều. “Trong định hướng phát triển ở vùng này, các nhà khoa học đã nói là nuôi trồng thủy sản. Vậy chỗ này chính sách để phát triển thủy sản thế nào, kể cả hạ tầng, kể cả thủy lợi, chế biến...” - ông Lưu nhấn mạnh.
Cả hai Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Đỗ Bá Tỵ cùng có chung nhận xét, dự thảo luật mới chỉ quan tâm đến phạm vi ngoài biển, còn việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở khu vực đất liền còn hạn chế.
Mở rộng vấn đề hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, quy định về khai thác ngoài vùng biển Việt Nam là xu hướng rất cần thiết. “Trong tờ trình của Chính phủ cũng cần phải mở rộng. Chúng ta cần tính cả vùng biển ngoài phao số 0. Việc này làm như nào, cần phải nghiên cứu kỹ để làm sao phù hợp với luật pháp quốc tế, không vi phạm luật pháp quốc tế mà còn phát triển ngành đánh, bắt hải sản của chúng ta” - ông Tỵ góp ý.
Theo Lương kết/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn