Kim ngạch XK rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng từ 151 triệu USD (năm 2003), lên 500 triệu USD (năm 2010). Đến năm 2012 tăng lên 800 triệu USD và năm 2013 đánh dấu cột mốc vượt 1 tỉ USD. Năm 2014, XK rau quả tăng tốc lên mức 1,5 tỉ USD, để đến năm 2016 đạt gần 2,5 tỉ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả đạt tới 3,2 tỉ USD, tăng hơn 43% so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2017 XK rau quả ước đạt 3,4 - 3,5 tỉ USD.
Với lợi thế thiên nhiên, vùng ĐBSCL cây trái quanh năm, đa dạng chủng loại, chất lượng vượt trội. Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương, doanh nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL đã tập trung đầu tư mạnh cho trái cây, nhất là các mặt hàng trái cây có giá trị kinh tế cao. Các ngành chuyên môn cũng không ngừng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây; nhờ đó mà đến nay các loại rau quả được XK sang khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Lúc giữa năm, người trồng thanh long ở Long An, Tiền Giang phấn khởi khi lô hàng thanh long đầu tiên vào được thị trường Úc khó tính. Đến cuối năm, vùng vú sữa Lò Rèn xôn xao khi loại trái cây này được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ… Tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… xuất hiện nhiều hộ vươn lên từ rau quả. Chỉ riêng xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã có 1.300ha vườn với 3 loại cây chủ lực là măng cụt, chôm chôm và nhãn. Hiệu quả của kinh tế vườn đã đưa An Phú Tân trở thành một trong những xã đầu tiên ở Trà Vinh hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Theo nhận định của giới chuyên môn, thị trường XK trái cây những năm tới có chiều hướng gia tăng và giá cả tương đối ổn định, thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp XK. Thực tế cho thấy, chính nhờ XK tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp và nông dân vùng ĐBSCL tiêu thụ trái cây dễ dàng, thu về lợi nhuận cao. Trái cây lên ngôi còn giúp giải bài toán chuyển đổi cây trồng nhằm giảm áp lực diện tích trồng lúa. Đường đi đã rộng mở, người nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL sẽ không bỏ lỡ thời cơ!
Theo Báo Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn