Các nguyên nhân chủ yếu góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn thời gian qua là sự quan tâm phát triển sản xuất, gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư trong nhân dân từ các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố.
Chuyển dịch đúng hướng
UBND huyện Nhà Bè cho biết, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã tập trung triển khai các chính sách ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về giống, cây, con giá trị cao. Cụ thể, để thu hút việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về giống, cây, con giá trị sản lượng cao góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã tiếp tục thực hiện chủ trương “cho phép chủ đầu tư xây dựng tạm các công trình để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tại các dự án chưa triển khai và chậm triển khai, thực hiện”.
Anh Phạm Chí Tâm (Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) với trại rau ăn quả VietGAP thu nhập cả tỷ đồng/năm. Ảnh: T.Đ
Hiện chưa có điều tra cập nhật mới về thu nhập tại 56 xã thuộc 5 huyện, căn cứ kết quả đạt tiêu chí thu nhập của 4 xã: Thạnh An, An Thới Đông, Bình Khánh và xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ), tạm tính thu nhập bình quân của các hộ tại 56/56 xã là 41,477 triệu đồng/người/năm. (Nguồn: Sở NNPTNT TP.HCM)
|
Theo ông Phạm Văn Quý – Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư sản xuất nông nghiệp luôn được huyện quan tâm hướng dẫn. Huyện đã hỗ trợ ND đầu tư thử nghiệm mô hình mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất và nhân ra diện rộng như: Mô hình trồng lan cắt cành dendro; mô hình ghép và chăm sóc mai; mô hình nuôi tôm sú; nuôi cua; nuôi cua xen tôm; nuôi cá rô phi an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm góp phần tạo điều kiện cho ND đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng NTM như: Phát triển mô hình nuôi thủy sản kết hợp với kinh doanh, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí; ứng dụng cơ giới hóa trong việc tưới nước, bón phân, phun thuốc cho trồng hoa lan, cây kiểng, nấm, dưa lưới…
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, ông Lê Thanh Phong - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Củ Chi cho biết, huyện đã chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ ND, như: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi góp phần phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại hiệu quả và mang tính bền vững.
Chưa khai thác hết thế mạnh
Sở NNPTNT thành phố đánh giá, qua thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại 56 xã thuộc địa bàn 5 huyện, cho thấy sản xuất nông nghiệp thành phố đã chuyển dịch đúng hướng với những mô hình về các giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như: Bò sữa, rau an toàn, hoa lan - cây kiểng, cá cảnh…
Ông Nguyễn Hữu Đệ - chủ trang trại lan Mokara vừa được thành lập tại xã Quy Đức (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, trước đây ông trồng gần 2ha rau ăn lá, nhưng từ khi chuyển 1.000m2 qua trồng hoa lan, ông thấy đỡ nhọc nhằn mà thu nhập khá hơn nhiều.
Có thể thấy, thời gian qua, sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các hội đoàn thể nhất là Hội ND đã góp phần duy trì và phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nghề phi nông nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn. Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung nông nghiệp các huyện vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của vùng sản xuất nông nghiệp đô thị, sinh thái, môi trường xanh, sạch, đẹp gắn với phát triển du lịch, nơi an dưỡng, nghỉ ngơi.
“Thật ra, các huyện vẫn chưa nhân rộng mô hình sản xuất theo thế mạnh của mình. Tại các xã có mức độ đô thị hóa cao như ở huyện Nhà Bè, Hóc Môn… việc đào tạo nghề phi nông nghiệp ở một mức độ nhất định vẫn chưa đáp ứng theo nhu cầu đào tạo nghề của người dân” - Phó Chủ tịch Hội ND thành phố Trần Trường Sơn nhận định.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn