Năm 2013, Diệu Thu tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Mầm non của Trường Đại học An Giang. Ra trường chị “rẽ” sang làm nông nghiệp công nghệ cao. Thu kể, cơ duyên để trồng dưa lưới công nghệ cao là bản thân chị thích các sản phẩm sạch, đồng thời, khi đi siêu thị thấy trái dưa lưới nhìn rất bắt mắt nên đã nảy ra ý tưởng sẽ trồng thử. Đầu năm 2017, Thu bàn với gia đình rồi quyết định đầu tư 350m2 đất trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, đồng thời xây thêm 130m2 nhà kính trồng rau xà lách xoong bằng công nghệ đèn led, giống nhập từ Hà Lan với kinh phí gần 500 triệu đồng.
Cô gái 9X không có kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao nhưng vẫn quyết định thử sức ở lĩnh vực này. “Phải thử sức, có làm, có thất bại mới học ra nhiều điều. Quan trọng là quyết tâm và đam mê của mình như thế nào. Còn về kinh nghiệm thì học từ từ qua thực tế, sách vở, cái nào không hiểu thì hỏi kỹ sư sẽ tư vấn”, Thu tươi cười nói.
Ban đầu Thu nghĩ rằng, vụ đầu chắc chắn sẽ lỗ và dám chấp nhận nó. Tuy nhiên, khi bán cho siêu thị, trừ hết chi phí đầu tư còn lãi hơn 10 triệu. Làm sao để đưa sản phẩm vào siêu thị và cửa hàng sạch đó là bài toán nan giải khiến Thu nhiều đêm trăn trở, lo lắng. Thu kể, phải đi nhiều nơi để chào hàng, giới thiệu sản phẩm, đồng thời thông qua các mối quan hệ, họ tin mình làm ăn đàng hoàng nên đồng ý nhận hàng để bán.
Đối với nhà kính sử dụng đèn led chiếu vào rau, Thu cho biết đó là ưu điểm so với nhà kính thông thường vì đèn led sẽ giúp rau hấp thụ và phát triển nhanh hơn. Ví dụ, đối với rau xà lách, nếu trồng trong nhà kính không có đèn led với điều kiện và nhiệt độ bình thường thì phải mất từ 70 - 80 ngày mới thu hoạch, còn trồng đèn led thì rút ngắn xuống còn 55 - 60 ngày.
“Ưu điểm của đèn led là mình chủ động được mọi thứ để điều chỉnh nhiệt độ. Muốn lên cao, thấp hay sáng, tối là do mình điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thời tiết”, Thu . Còn nói về ý tưởng sử dụng đèn led vào trồng rau, Thu cho biết, đọc trên sách báo, tình cờ thấy nông dân của Hà Lan và Nhật hợp tác, trồng rau trong container, gắn máy lạnh và sử dụng đèn led để chiếu sáng. Sau đó, tìm hiểu kỹ thì biết rằng đèn led sẽ giúp rau hấp thu nhanh và phát triển hơn nên áp dụng ngay.
Đến nay chị Thu cơ bản đã nắm được kỹ thuật trồng dưa lưới và rau xà lách, đang nghiên cứu thêm thị trường ở Phú Quốc, các tỉnh trong vùng và thậm chí sang Campuchia. Ngoài ra, điều cô gái 9X vùng biên này mong muốn là tận dụng lợi thế khu vực cửa khẩu thu hút khách du lịch đến tham quan nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tổ chức cho học sinh trải nghiệm trồng rau sạch để dần thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng sức khỏe.
Anh Lê Trung Lĩnh, Bí thư xã Đoàn An Phú cho biết, ở đây là khu vực biên giới, đời sống người dân còn khó khăn, đặc biệt là nhận thức của nông dân trong việc làm nông nghiệp sạch, không thuốc hóa học còn hạn chế nên đây là mô hình mới để đánh thức những thanh niên nông thôn mạnh dạn làm để phát triển kinh tế. Bản thân Thu ban đầu không có chuyên môn về nông nghiệp nhưng với niềm đam mê, dám nghĩ dám làm, đó cũng là điều để cho thanh niên khác học tập.
Còn anh Lâm Thành Sĩ, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang đánh giá: “Những mô hình đặc trưng như thế này giúp cho thanh niên cải thiện thu nhập và làm giàu từ ý tưởng do mình tạo ra”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn