“Ý Đảng, lòng dân”
Về xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay từng ngày của những làng quê nơi đây. Đường làng, ngõ, xóm đều được rải nhựa hoặc bêtông, không những vậy bên cạnh những con đường đó được trang trí những loài hoa như chiều tím, mười giờ, râm bụt… Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Xuân Hy (80 tuổi, thôn Chi Đông, xã Nghĩa Phú), không giấu được niềm tự hào: “Nhìn thấy quê hương từng ngày thay đổi, người dân có ý thức hơn, cuộc sống của nhân dân đã được cải thiện, hạ tầng giao thông nông thôn được mở rộng, làm mới, tôi rất vui mừng”.
Nói về sự “thay da đổi thịt” của xã nhà, ông Phạm Hồng Quảng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết: Để có được sự thành công như hôm nay, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Phú đã đoàn kết hướng về mục tiêu chung là đưa địa phương có những bước phát triển mới, nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, việc huy động được nguồn lực, đóng góp của nhân dân vào quá trình xây dựng NTM đã mang lại nhiều kết quả tích cực, qua đó thể hiện sự đoàn kết, nhất trí “ý Đảng, lòng dân”.
Các công trình văn hóa tâm linh được nhân dân đóng góp tôn tạo. (ảnh: Minh Ngọc)
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh thôn Chi Đông, ông Phạm Hồng Quảng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú đã giới thiệu những công trình của địa phương như: Cầu đá bắc qua sông, nhà văn hóa, cổng làng, chùa Tiên… “Đây đều là sự đóng góp của nhân dân địa phương và những người con xa quê” - ông Quảng nói.
Ngoài ra còn rất nhiều công trình được đóng góp như: Trường mầm non, nghĩa trang liệt sĩ, ngôi điện thờ bà chúa, đặc biệt là xây dựng cây cầu đá bắc qua sông Tiêu được Công ty TNHH Hải Ánh ủng hộ 2 tỷ đồng.
Phát huy những thành quả đạt được
Nghĩa Phú Có được diện mạo nông thôn thay đổi như ngày nay, ngoài việc huy động, đóng góp của tập thể còn có sự vào cuộc của các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…
Nhờ thực hiện tốt các tiêu chí NTM, tính đến năm 2019, 94% người dân Nghĩa Phú tham gia bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. |
Chị Nguyễn Thị Hà - hội viên Hội Phụ nữ thôn Chi Đông cho hay: “Hội Phụ nữ phân công từng tổ cứ 3 ngày cắt cỏ, tỉa hoa trên con đường nhựa asphalt/lần. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải đúng nơi quy định”.
Ông Trần Phi Thường - Bí thư Chi bộ thôn Chi Đông cho biết, tuyến đường nhựa asphalt chạy dọc theo bờ kênh của thôn được hoàn thành tháng 12/2018 chính là nhờ công sức, sự đóng góp của người dân trong xóm, của những người con xa quê.
Được biết, thôn Chi Đông hiện có 350 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1% (2 hộ), 11 hộ cận nghèo, là thôn về đích NTM đầu tiên của xã Nghĩa Phú. Việc thực hiện nếp sống văn hóa được lan tỏa đến từng hộ gia đình. Theo đó, nhà nào cũng có 2 thùng rác vô cơ và hữu cơ, một hố xử lý rác hữu cơ tại nhà; 3 ngày/tuần tổ thu gom đi thu rác về nơi xử lý tập trung.
“Đến nay, các công trình xây dựng trên địa bàn thôn với tổng trị giá 18 tỷ đồng, nhiều công trình do nhân dân đóng góp xây dựng” - ông Thường cho biết thêm.
Sau khi được công nhận làng văn hóa, những người cao tuổi, cán bộ, nhân dân trong làng đã xây dựng hương ước của làng gồm 6 chương. “Ý thức được việc xây dựng làng văn hóa là một quá trình lâu dài, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là những người con xa quê, chung sức xây dựng thôn Chi Đông ngày một khang trang” - ông Thường chia sẻ.
Theo Minh Ngọc/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/khoi-suc-dan-lam-duong-dep-lang-xom-sach-1048780.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn