Theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 31-7-2017 toàn bộ thịt lợn đưa vào kinh doanh tại hai chợ đầu mối của địa phương phải được đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được trong những ngày đầu thực hiện.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đêm đầu tiên thực hiện kiểm tra việc đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại hai chợ đầu mối Nông sản Bình Điền và Nông sản Thực phẩm Hóc Môn, tỷ lệ lợn được đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc còn thấp. Cụ thể, trong gần 10.000 con lợn được các cơ sở chăn nuôi cung cấp cho thị trường thành phố ngày 31-7, vẫn còn đến 65% chưa được đeo vòng và truy xuất nguồn gốc. Khi chuyển đến các cơ sở giết mổ, lượng lợn này (có truy xuất nguồn gốc) chỉ còn có 21%; và khi đến kênh phân phối truyền thống, con số này chỉ còn gần 9%. Vào ngày thứ hai thực hiện, số lợn được đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi tăng lên 70%, gấp đôi so với ngày đầu. Lượng lợn có truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở giết mổ cũng tăng lên 50% và lượng thịt về các chợ lẻ cũng tăng lên 37%.
Trái ngược với tình trạng trên, tại hệ thống phân phối hiện đại, toàn bộ 100% lợn đều có vòng nhận diện và có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.
Theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, sau khi thực hiện đeo vòng và truy xuất nguồn gốc 100% thịt lợn từ hai chợ đầu mối, từ ngày 1-9 sẽ thực hiện giai đoạn hai của Đề án, truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện đã có 11 trại ấp con giống, 27 trại giống, 343 trại gà thịt, 13 cơ sở giết mổ, 53 trại trứng và 6 cơ sở chế biến đăng ký tham gia đề án. Căn cứ vào vòng đời sản phẩm thịt gia cầm bình quân là 2 tháng, từ ngày 1-7 Ban Quản lý đề án đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc với các cơ sở giống, trang trại trên để bảo đảm đến ngày 1-9 có thịt và trứng gia cầm truy xuất được nguồn gốc đưa ra thị trường của thành phố.
Theo tính toán của ông Nguyễn Nguyên Phương, hai chợ đầu mối kể trên đang chiếm khoảng 80% lượng thịt lợn cung cấp cho các chợ lẻ trên địa bàn. Nếu quản lý tốt lượng thịt lợn ở hai chợ này, cộng với khoảng 15% sản lượng thịt lợn được cung cấp từ các kênh phân phối hiện đại (các siêu thị, cửa hàng tiện lợi) thì 95% thịt lợn trên địa bàn đã được kiểm soát về nguồn gốc, đồng nghĩa với việc thịt lợn được giám sát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lý giải việc chưa kiểm soát được thịt lợn truy xuất nguồn gốc như đề án, Sở Công Thương cho rằng tỷ lệ lợn được đeo vòng truy xuất nguồn gốc từ các trang trại, cơ sở chăn nuôi cao nhưng giảm dần khi về thành phố bởi cơ quan thú y các tỉnh lân cận không kiểm tra, kích hoạt dữ liệu vòng nhận diện khi thực hiện các quy trình kiểm soát thú y, hoặc do thiếu các trang thiết bị kiểm tra…
Do lượng thịt lợn và gia cầm chủ yếu nhập từ các tỉnh nên để đề án thành công rất cần có sự phối hợp từ các địa phương. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, đề nghị các cơ quan này nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi có lợn bán vào thị trường thành phố phải đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc, tránh trường hợp không bán được.
Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao trách nhiệm cụ thể cho Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm toàn bộ thịt lợn, thịt và trứng gia cầm trên thị trường TP Hồ Chí Minh được nhận diện và có nguồn gốc rõ ràng từ ngày 1-9 tới.
Theo Thùy Linh/hanoimoi.com.vn