Sau khi báo NNVN đăng bài “Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam gửi tâm thư cho lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước”, đông đảo dư luận quan tâm, đồng tình. Dưới góc độ của nhà quản lý, tôi cũng thấy tâm tư và tự vấn lòng mình, rằng nhẽ ra những trăn trở này phải bắt đầu từ chính các cơ quan quản lý nhà nước thì mới phải, nhân đây tôi cũng xin được làm rõ thêm những vấn đề mà Hội Chăn nuôi Việt Nam đã nêu…
Thứ nhất, phải nói công tác thống kê nông nghiệp nói chung và nhất là thống kê chăn nuôi ở nước ta rất khó. Tôi đồng tình với trăn trở của ông Nguyễn Đăng Vang, ngay từ hồi đương chức trong Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hay là Cục trưởng Cục Chăn nuôi ông đã có ý kiến về vấn đề này. Đúng là còn có những sai khác giữa con số thống kê và giá trị, sản lượng thực tế của ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm: với trên 6 triệu hộ chăn nuôi ở các kiểu, loại hình chăn nuôi và giết mổ như hiện nay thì thống kê càng rất khó.
Nuôi lợn quy mô nông hộ |
Số hộ nhiều, tính chất hộ chăn nuôi đã thay đổi. Xưa chăn nuôi chỉ hộ nhỏ lẻ là chính nên cách thống kê lấy mẫu có thể là phù hợp nhưng giờ đã xuất hiện các kiểu hộ chăn nuôi khác nhau, hộ gia trại, trang trại, công nghiệp… năng suất và sản lượng có nhiều biến động. Bởi vậy mà công tác thống kê phải có những thay đổi để tiệm cận với vấn đề này. Nếu thống kê không sát thì những định hướng về chính sách, quy mô phát triển đàn sẽ không sát thực tế, dễ xảy ra tình trạng mất cân đối lớn về cung cầu nông sản, như mặt hàng thịt lợn vừa qua là bài học nhãn tiền gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi lợn mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được và không phải chỉ có ngành hàng thịt lợn đâu, cả ngành hàng gia cầm cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thị trường nếu như các địa phương, doanh nghiệp không có sự đánh giá, điều chỉnh cung cầu phù hợp trong thời gian tới đây.
Con số thống kê bởi vậy rất quan trọng. Dù rằng con số của Tổng cục Thống kê vẫn được coi là chính thống, được quốc gia thừa nhận, nhưng không thể thiếu số liệu thống kê chuyên ngành, nó là các thông số kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ tích cực cho công tác thống kê và điều hành sản xuất của ngành. Bộ NN-PTNT cần tăng cường công tác thống kê chuyên ngành trong đó làm rõ những hệ số kỹ thuật mà Tổng cục Thống kê không thể làm được như năng suất, khối lượng giết mổ, hệ số quay vòng, hệ số tiêu tốn thức ăn của từng nhóm, loại vật nuôi hay số liệu đầu vào của sản xuất, như số lượng con giống, tổng lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ để tính ra được tiệm cận sản lượng sản phẩm chăn nuôi trong thực tiễn sản xuất.
Thứ hai là chuyện tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh qua đường Việt Nam vào Trung Quốc. Vấn đề này rất quan trọng bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian thị trường của nông sản Việt Nam, vì 2 lý do: trùng về mặt chủng loại hàng hóa và cùng nhằm vào một thị trường.
Điều đáng quan ngại hơn là phần lớn hàng tạm nhập tái xuất đều là những thứ phẩm của ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm của các nước phát triển, họ bán gần như để tận thu, như đầu, cổ cánh, chân, phủ tạng gia súc, gia cầm…, những hàng hóa này, hiện nay tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang nước bạn lại đi chung cùng đường với xuất khẩu tiểu ngạch qua các đường mòn, lối mở, thì làm sao sản phẩm chăn nuôi nước ta có thể cạnh tranh nổi. Từ trước đã có chuyện tạm nhập tái xuất nhưng số lượng chưa nhiều nên chưa gây ảnh hưởng lớn đến nông sản và sản phẩm chăn nuôi trong nước, nhưng giờ nó đã đến tới ngưỡng để cảm nhận rõ rệt tác động này mà ngành hàng thịt lợn của nước ta đang là một minh chứng cho vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, nếu những mặt hàng đông lạnh không qua nước ta thì nó vẫn có thể vào Trung Quốc bằng các con đường khác? Tôi cho rằng vẫn có thể xảy ra nhưng không dễ, lý do giá thành sẽ tăng rất cao do hàng container này chỉ có thể đi bằng đường biển theo biển Đông qua Việt Nam là thuận lợi nhất, mặt khác nhập khẩu vào phía bạn là không chính ngạch nên sẽ rất khó khăn về các quy định pháp lý giữa các nước với bạn.
Đây là vấn đề lớn và phức tạp, để làm rõ hơn, rất cần có sự đánh giá đầy đủ của các bộ ngành và các địa phương mà nhất định phải có sự chỉ đạo của Chính phủ và giám sát của Quốc hội nếu không sẽ rất khó.
Vấn đề thứ ba làm sao không đẩy người nông dân ra ngoài cuộc chơi trong khi vẫn khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vậy khâu nào cần khuyến khích khâu nào không? Nông dân không dễ có thể chuyển sang công nghiệp, dịch vụ trong một sớm, một chiều được. Trước mắt trồng trọt, chăn nuôi vẫn là công việc thường nhật của họ. Chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những công đoạn nông dân không thể làm hoặc làm không hiệu quả, như ở đầu vào là giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ở đầu ra là giết mổ, chế biến, thị trường. Nên khuyến khích nông dân tham gia tích cực hơn vào liên kết với doanh nghiệp. Không phải cơ quan quản lý mà chính doanh nghiệp mới là thành phần mẫn cán nhất với các tín hiệu của thị trường và chính họ sẽ đặt hàng, dẫn dắt nông dân sản xuất theo thị trường...
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, có sự khác nhau rất lớn giữa con số của Tổng cục Thống kê và thực tế sản xuất của ngành chăn nuôi, do phương pháp thống kê, lấy mẫu chưa phù hợp, thiếu chính xác. Theo đó, hàng năm ta sản xuất được khoảng 4,1 triệu tấn thịt lợn (năm 2016, 2017 được 4,2 - 4,3 triệu tấn) nhưng Tổng cục Thống chỉ thống kê có 3,6 triệu tấn, 2,5 triệu tấn gia cầm nhưng chỉ thống kê có 960.000 tấn. Chính những con số thống kê sai này đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch, dự báo, chiến lược phát triển của cả ngành chăn nuôi. |
Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn