Ảnh minh họa
Đây là quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rõ về quy trình kiểm soát giết mổ các loại gia súc nuôi. Theo đó, trước giết mổ, cơ quan chức năng phải kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ của cơ sở giết mổ; Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định; kiểm tra việc thực hiện các quy định vệ sinh đối với người tham gia giết mổ; trang phục bảo hộ trong lúc làm việc. Trường hợp phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, phải cách ly động vật và kiểm tra lại toàn đàn. Mọi trường hợp động vật có dấu hiệu bất thường đều phải được đánh dấu, tách riêng, theo dõi và xử lý theo quy định.
Sau giết mổ các loại gia súc nuôi, thực hiện khám đầu, phủ tạng (phổi, tim, gan, thận, lách, dạ dày, ruột) và khám thân thịt để phát hiện các dấu hiệu bất thường, dấu hiệu bệnh lý.
Trong trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu bệnh tích ở thân thịt, phủ tạng, phải đánh dấu, tách riêng và đưa tới khu xử lý để kiểm tra lại lần cuối trước khi đưa ra quyết định xử lý; đóng dấu “XỬ LÝ V.S.T.Y” hoặc dấu “HỦY” sau khi có quyết định xử lý đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.
Đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật theo quy định.
Thông tư cũng nêu rõ về xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y . Việc xử lý vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật phải thực hiện ngay và được cơ quan thú y, nhân viên thú y hướng dẫn, giám sát, kiểm tra.
Những người trực tiếp thực hiện xử lý động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh nguy hiểm phải được trang bị bảo hộ lao động. Địa điểm xử lý vệ sinh thú y phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chủ động vật phải chịu mọi chi phí trong thời gian nuôi cách ly, theo dõi; chủ lô hàng sản phẩm động vật phải chịu mọi chi phí bảo quản sản phẩm động vật đến khi có kết luận của cơ quan thú y.
Đối với động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, các biện pháp xử lý bao gồm: Tạm dừng giết mổ; giết mổ ở khu vực riêng; giết mổ bắt buộc, tiêu hủy bắt buộc hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Đối với sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, các biện pháp xử lý bao gồm: Tiêu hủy; xử lý nhiệt; xử lý cơ học; chuyển mục đích sử dụng...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2016.
KL
theo Chính Phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn