Sử dụng hỗn hợp hữu cơ tự chế bón cho lúa
Xuất thân từ một gia đình thuần nông, anh Vũ nhận thấy hiện nay người dân sử phân bón vô cơ trong quá trình canh tác lâu dài sẽ làm đất mất đi độ màu mỡ, tăng chi phí cho sản xuất. Từ đó, anh ấp ủ ước mơ sản xuất nông nghiệp sạch, tăng độ màu mỡ cho đất, không gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tháng 7/2018, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành Khoa học cây trồng, anh Vũ bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình từ việc trồng lúa hữu cơ, sử dụng phân bón với công thức riêng và phù hợp với vùng đất mà anh canh tác.
Trong vụ hè thu vừa qua, trên diện tích 5 công đất anh Vũ trồng lúa hữu cơ mang lại năng suất cao. Ảnh: T.T.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Vũ cho biết: “Từ phụ phẩm trong nông nghiệp như rau, củ, lá… thu gom ở các chợ, tôi tiến hành ủ lên men và xử lý bằng men vi sinh theo tỷ lệ 40kg phân và 2kg vi sinh cho 1000m2. Sau khoảng 45 - 60 ngày là có thể sử dụng hỗn hợp. Trung bình một vụ tôi bón khoảng 4 - 5 lần, số lượng khoảng 400kg/công”.
Từ việc dùng phân bón hữu cơ bằng nguyên liệu có sẵn đã giúp anh Vũ giảm được chi phí sản xuất, cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mô hình này giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, chất lượng sản phẩm cao, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Vũ kiểm tra lượng phân trong vụ đông xuân năm 2019 - 2020. Ảnh: T.T.
Trong vụ lúa hè thu, anh Vũ gieo sạ giống lúa Nhật, thời gian sinh trường 112 ngày, trên diện tích 5 công đất. Với cách làm riêng, anh thu về 850-900kg/công, lãi hơn 2 triệu đồng/công. Lợi nhuận cao hơn 20-30% so với cách làm truyền thống.
Sản phẩm của anh Vũ được cung cấp chủ yếu thị trường bán lẻ nông sản sạch ở TP.Hồ Chí Minh. Trung bình 2-3 tuần anh Vũ xuất đi khoảng 1 tấn gạo với giá 15-35 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi đợt xuất bán anh thu lãi khoảng 60%.
Lắp đặt thủy canh
Vận dụng những kiến thức đã học và trải qua quá trình học hỏi, ngay từ năm thứ 2 đại học anh Vũ đã nhận lắp ráp mô hình trồng thủy canh, cung cấp hợp chất hữu cơ và tư vấn cách trồng, chăm sóc cho các hộ gia đình.
Anh Vũ và mô hình thủy canh do anh hướng dẫn về kỹ thuật. Ảnh: T.T.
Từ các phụ phẩm trong nông nghiệp, anh Vũ tận dụng để tạo thành hợp chất hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: T.T.
Theo anh Vũ, mô hình này là hướng đi mới trong việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các gia đình. Các loại rau ăn lá, dưa leo, cà chua…khi sử dụng phương pháp này, cho năng suất sản phẩm tăng và chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, mô hình thích hợp với những hộ gia đình có diện tích hẹp, không gian nhà phố và nhẹ công chăm sóc.
Để tạo hợp chất hữu cơ cho việc trồng cây thủy canh, anh Vũ dùng phụ phẩm nông nghiệp như rau, trái cây ủ và được xử lý bằng men vi sinh, sau 45 ngày là có thể bón cho cây trồng. Sau khi cây được gieo trồng trên giá sẽ có hệ thống tự động vận hành bơm chất dinh dưỡng lên cho cây, người trồng hằng ngày không cần phải tưới nước cho cây.
Anh Vũ (bên trái) tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2019 với mô hình thủy canh. Ảnh; T.T.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Vũ cho biết: Hệ thống này sẽ tự điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng, độ ẩm phù hợp cho cây trồng. Trong thời gian khoảng 35 - 40 ngày, người trồng có thể thu hoạch, ngắn hơn phương pháp thường từ 5 - 10 ngày.
Hiện anh Vũ nhận lắp giàn thủy canh cho các hộ gia đình trên địa bàn TP. Rạch Giá, cung cấp hợp chất hữu cơ và tư vấn kỹ thuật. Mỗi giàn lắp đặt thấp nhất có giá hơn 2 triệu đồng, đảm bảo được lượng rau sạch hằng ngày cung cấp cho gia đình.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2019 do tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học của anh Vũ đã đạt giải Nhất.
Thiên Thiên - Chúc Ly/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/kien-giang-9x-cam-bang-dai-hoc-ve-trong-lua-sach-rau-thuy-canh-1038225.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn