Để có thêm thu nhập, nhiều nông dân xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang chọn mô hình cất chòi nuôi dơi để lấy phân bón vừa bón ruộng rẫy vừa bán cho các hộ làm vườn khác có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ.
Ảnh: Chuồng dơi của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Tân An, xã Tân Hiệp B, Tân Hiệp (Kiên Giang) được bố trí sau vườn nhà.
3 năm nay, ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Tân An, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) sử dụng phân dơi để bón cho các loại rau màu và 5 công ruộng của gia đình. Qua sử dụng phân dơi ông Bảy bất ngờ với kết quả thu được. Chi phí phân bón hóa học trên 5 công lúa giảm được 1,5 triệu đồng/vụ, số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho lúa và rau màu cũng giảm hẳn.
Ông Bảy cho biết: “Lúa được 10 ngày sau sạ tôi bón phân dơi sẽ giúp nhẹ phân bón, nhẹ thuốc bảo vệ thực vật. Đối với dưa hấu, dưa leo bón phủ lên mặt lúc mới gieo hạt sẽ giúp phòng ngừa chuột cắn phá hạt giống, bón thêm đợt phân bón thúc lúc dây dưa bỏ vòi sẽ giúp thịt trái dưa chắc, ngọt tự nhiên và lâu hỏng. Đặc biệt, đối với dưa hấu, nếu sử dụng phân dơi bón thì ruột dưa có màu đỏ đậm được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Theo bà Phạm Thị Thu Trang - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), phân dơi được gọi là "vua" của các loài phân vì chứa các thành phần hóa học như urê, axít uric, vitamin A, kali... Hàm lượng dinh dưỡng trong phân dơi cao gấp 7 - 10 lần so với phân hữu cơ khác. |
Ông Bảy kể, một lần đến nhà người quen thấy mô hình nuôi dơi, ông chú ý quan sát và tìm cách học hỏi cách nuôi dơi lấy phân sao cho hiệu quả. Đầu năm 2016, khi đủ điều kiện ông Bảy bắt tay vào làm chuồng nuôi dơi ngay tại miếng đất trống cặp ruộng sau nhà.
Chuồng nuôi dơi được làm theo hình lục giác, gồm 6 trụ cao gần 10m, chiều dài nền chuồng khoảng 6m, rộng khoảng 3m, trên nóc chuồng treo khoảng 400 tàu lá thốt nốt để dơi làm tổ. Ông Bảy cho biết, chi phí làm chuồng dơi tùy theo mức độ đầu tư kiên cố hay tạm bợ.
Nếu đầu tư làm chuồng dơi kiên cố tốn khoảng vài chục triệu đồng/chuồng nhưng sử dụng lâu dài, từ 15 năm trở lên. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là nơi làm chuồng dơi phải xa khu dân cư và phải đảm bảo môi trường an toàn cho dơi, bởi dơi thích sống tự do, nhạy cảm với người lạ, loài vật, côn trùng…
Là một trong những hộ nuôi dơi-loài vật "ngủ ngày cày đêm" đầu tiên ở huyện Tân Hiệp, chị Trần Thanh Thủy, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, cho biết: “Mỗi ngày dơi bay đi tìm mồi rồi lại bay về tổ. Nuôi dơi không phải cho ăn, chăm sóc, tuy nhiên cũng phải thường xuyên vệ sinh chuồng dơi, thay lá dừa nước hoặc lá thốt nốt bị hỏng. Ban đêm phải thăm chuồng dơi 2-3 lần để kịp thời xua đuổi những con vật khác có thể đến làm hại đàn dơi. Những ngày mưa thì việc dọn và phơi phân dơi sẽ vất vả hơn”.
Với một chuồng nuôi dơi, mỗi tháng chị Thủy thu được từ 100-200kg phân dơi. Những lúc ngoài đồng có đợt sâu rầy thì lượng thức ăn dơi ăn sẽ nhiều và cho phân nhiều hơn. Nếu đàn dơi về ở càng nhiều thì lượng phân sẽ tăng. Hiện giá phân dơi bán ra khá cao, dao động từ 35-60 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Với giá này giúp gia đình chị Thủy có thêm thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Theo bà Phạm Thị Thu Trang, công dụng phân dơi giúp giải ngộ độc hữu cơ, hạ phèn giảm mặn cho đất; cải thiện cấu trúc đất, tăng độ phì làm cho đất tơi xốp; giúp cây trồng tăng trưởng nhanh, đẻ nhánh mạnh, hạn chế khô cành, rụng đốt, rụng quả sinh lý, hấp thu tốt nhiều dinh dưỡng khoáng trong đất.
"Nuôi dơi không những thu được phân bón cho cây trồng mà còn tác dụng diệt muỗi, rầy nâu, bởi mỗi ngày 1 con dơi ăn khoảng 5.000 con muỗi, côn trùng. Đây là giải pháp diệt muỗi, côn trùng hiệu quả mà không cần sử dụng hóa chất...", bà Phạm Thị Thu Trang. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn