Trao đổi với phóng viên, ông Trình cho biết: “Trong những năm trước đây, thời tiết bất lợi, đất bị phèn, giá lúa lại bấp bênh nên lợi nhuận không cao. Năm 2017, trên diện tích 11ha đất chuyên trồng lúa, tôi mạnh dạn chuyển hơn 1ha đất sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái”.
Ông Trình mạnh dạn chuyển hơn 1ha đất sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái. Trong ảnh, ông Trình đang chăm sóc ruộng dưa leo giàn...Ảnh: M.A.
Trong năm đầu tiên, ông Trình trồng các loại cây ngắn ngày như: Dưa leo, dưa hấu, bí đao, khổ qua, bầu, đậu bắp…và thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhận thấy có thể phát triển được mô hình trồng "lung tung" rau màu cùng lúc nhiều loại cây trồng trên vùng đất này, đến cuối năm 2017 ông tiếp tục bỏ vốn mua hơn 200 gốc bưởi, 200 gốc xoài, gần 300 cây dừa trồng xen canh.
Trong quá trình canh tác các loại rau màu, cây trái, ông Trình cho rằng lợi nhuận ít nhất phải cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích. Tùy thời điểm, ông có thể mới thu hoạch các loại cây ngắn ngày như dưa leo, dưa hấu, bí đao, khổ qua, bầu, đậu bắp, và loại trái cây như dừa.
“Ngoài việc trồng trọt tôi còn kết hợp với chăn nuôi, trên diện tích 1ha, trên bờ tôi trồng rau màu, dưới ao kết hợp nuôi cá tra, cá chép, điêu hồng và vịt…Theo ước tính, sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng mỗi năm” - ông Trình chia sẻ.
Ngoài trồng màu, nuôi cá, cây ăn trái ông Trình còn nuôi vịt, lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: M.A.
Trong quá trình canh tác, ngoài việc tìm tòi học hỏi kinh nghiệm phương thức khoa học kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm với người dân xung quanh để cùng nhau phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất.
Với những thành công bước đầu, việc phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Trình được chính quyền địa phương đánh giá là hướng đi giúp mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, mô hình góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với mô hình đa cây, đa cây trên cùng diện tích, ông Trình thu về 200 triệu/năm. Trong hình, ông Trình đang cho cá điêu hồng ăn. Ảnh: M.A.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) cho biết: Ông Trình là người tiên phong trong quá trình chuyển đổi cây trồng trên nền đất phèn ở xã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội khuyến khích các hộ dân chuyển đổi mô hình cây trồng để phát triển kinh tế. Từ năm 1997, ông Trình đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất cấp tỉnh nhiều năm liền và là tấm gương để bà con trong vùng học hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững.
Vừa qua, ngành nông nghiệp xã Giục Tượng phối hợp với huyện Châu Thành tổ chức lớp tập huấn về chuyển đổi cây trồng đã mời ông Trình tới dự và chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên nông dân tham gia lớp học.
Thiên Thiên - Chúc Ly/http://danviet.vn/
Xem bài viết gốc tại đây!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn