Theo nhận định của một số tổ chức, xung đột thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ Brexit không thỏa thuận là những yếu tố rủi ro gây tác động tới niềm tin của doanh nghiệp, suy yếu hoạt động đầu tư và xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch của các dòng đầu tư vẫn tiếp diễn. Chỉ số thương mại hàng hóa thế giới theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (tháng 8/2019) tiếp tục suy giảm, hiện chỉ đạt 95,7 điểm.
Các nền kinh tế lớn suy yếu
Kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ không đồng đều giữa các lĩnh vực, trong đó dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2019. Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ tháng 7/2019 đạt 52,6 điểm, tăng so với 51,5 điểm trong tháng 6/2019, chủ yếu do sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức 3,7% trong tháng 7/2019, không đổi so với tháng 6/2019. Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ lên 0,3% (so với 0,1% trong hai tháng trước đó).
Khu vực châu Âu tăng trưởng không khả quan. Tăng trưởng GDP quý II/2019 chậm lại, đạt 0,2%, sau khi tăng 0,4% trong quý I/2019. PMI tổng hợp tháng 7/2019 đạt mức 51,5 điểm, giảm so với mức 52,2 điểm trong tháng 6/2019. PMI lĩnh vực dịch vụ có khởi sắc nhưng lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ bất ổn nền kinh tế toàn cầu. Sản xuất công nghiệp tháng 6/2019 tại Eurozone giảm 1,6% so với tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 6/2019 đối với Eurozone ở mức 7,5% - thấp nhất kể từ tháng 7/2008.
Khả năng Anh rời khỏi EU không đạt được thỏa thuận tăng lên khi Anh và EU đều giữ lập trường không đàm phán lại. Như vậy, Anh có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men khi “Brexit cứng” diễn ra.
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm. GDP chỉ tăng 0,4% trong quý II/2019, thấp hơn mức tăng 0,7% của quý I/2019 và có dấu hiệu sẽ giảm tiếp trong quý III. Cán cân thương mại thâm hụt 249,6 tỷ yen trong tháng 7/2019. Xuất khẩu giảm tháng thứ 8 liên tiếp. Nhập khẩu giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI tổng hợp cũng giảm xuống còn 50,6 điểm trong tháng 7/2019 so với mức 50,8 điểm của tháng 6/2019.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà suy giảm trong tháng 7. Chỉ số PMI tổng hợp ở mức 49,7 điểm trong tháng 7 (tăng 0,3 điểm so với tháng 6/2019), ở dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7/2019 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,5 điểm % so với tháng 6/2019), là mức tăng yếu nhất kể từ năm 2002. Doanh số bán lẻ trong tháng 7/2019 tăng 7,6%, giảm 2,2 điểm % so với tháng 6/2019.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục diễn biến phức tạp. Căng thẳng thương mại Nhật Bản-Hàn Quốc leo thang. Nhật chính thức loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 8/2019, tiếp nối quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 3 hóa chất sử dụng trong sản xuất vào ngày 4/7. Như vậy, các công ty Nhật sẽ phải có giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu khoảng 1.120 mặt hàng sang Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc đã khởi động tiến trình loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại được tin cậy vào ngày 14/8/2019.
Biến động tài chính tiền tệ
Thị trường tài chính thế giới tháng 8 và 8 tháng năm 2019 có nhiều biến động. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% cuối tháng 7/2019, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ biên độ 2,25 đến 2,5% xuống biên độ 2,0 đến 2,25% và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ với đồng USD làm cho thị trường tài chính thêm bất ổn. Tỷ giá này đã được điều chỉnh lên mức 6,94 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào đầu tháng 8 và vượt mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào ngày 5/8. Trước sự điều chỉnh này, Mỹ đã tuyên bố đây là “hành vi thao túng tiền tệ” mặc dù Trung Quốc không vi phạm cả 3 nguyên tắc Mỹ đưa ra đối với nước thao túng tiền tệ. Việc này làm tiếp tục làm tăng mức độ căng thẳng giữa hai bên.
Về giá cả hàng hóa thế giới, giá dầu mỏ trong tháng 8/2019 tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Kỳ vọng tăng trưởng, xuất khẩu của một số nền kinh tế lớn trên thế giới giảm làm giảm kỳ vọng của nhu cầu dầu thô. Giá nông sản có biến động nhẹ trong các tháng đầu năm, tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 8/2019. Giá vàng trong tháng 8/2019 tiếp tục tăng mạnh lên 1.508 USD/oz (ngày 19/8/2019), tăng 4,6% so với cùng kỳ tháng trước, do biến động kinh tế, chính trị thế giới, khiến nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư tài sản an toàn.
Theo An Bình/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn