Nghĩa Khánh, vườn nhà nào cũng trĩu buồng chuối ngữ
Thật hiếm có một địa phương nào như vậy. Trong lúc ở đâu người ta cũng hướng tới cuộc cách mạng xanh xóa bỏ thế độc canh, vườn tạp để đa canh, đa cây có hiệu ích kinh tế, thì ở xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An,) toàn bộ các hộ dân lại chỉ độc canh duy nhất một giống cây trong vườn hộ. Đó là cây chuối ngữ.
Đến xã Nghĩa Khánh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Nguyễn Đình Tim sau khi mời nước tôi, rồi hỏi: Anh đã đi nhiều làng, nhiều xã, vậy anh có thấy dân Nghĩa Khánh có cái gì khác không ? Chẳng đắn đo gì, tôi bảo: Khác, tôi thấy dân ở đây khác ở nhiều nơi lắm. Bởi trong vườn hộ nhà nào cũng chỉ có duy nhất một màu xanh cây chuối. Vậy duyên cơ nào, và hiệu quả ra sao mà dân ở đây lại mê cây chuối đến vậy?
Nghe tôi hỏi, ông Tim cười hớn hở: Nói thật với anh, trong cuộc cải cách vườn tạp, chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc họp bàn rất sôi nổi, rằng phải thay thế cây gì vào trong vườn hộ để đem lại hiệu ích kinh tế cao hơn. Nhiều cán bộ gợi ý nên trồng cam, chanh hoặc bưởi hồng Quang Tiến…
Tuy nhiên tất cả những gợi ý đó khi đưa ra cho dân bàn thì đã bị bác bỏ. Lý của dân là không thể có cây gì mang lại hiệu quả cao như cây chuối. Bởi vậy chuối trong vườn hộ ở đây đã phát triển từ lâu lắm rồi. Và cho tới bây giờ có thể nói Nghĩa Khánh là vùng chuối hàng hóa tập trung lớn nhất tỉnh Nghệ An.
Ngày nào cũng có khách hàng đi thăm các vườn chuối để mua.
Ông Tim bảo: Nghĩa Khánh có 17 xóm, dân số 2.200 hộ thì đã có hơn 1.800 hộ trồng chuối trong vườn hộ. Nghĩa là ngoại trừ các hộ ở ven đường QL 15A và buôn bán tiểu thương không có đất vườn thì họ không thể trồng chuối, số còn lại nhà nào cũng có từ 1,5 - 2 sào (500m2/sào) chuối trong vườn.
Theo thống kê, Nghĩa Khánh luôn có 150 - 180ha chuối ngữ trong vườn hộ. Ở đây chưa ai biết giống chuối nào có giá trị dinh dưỡng cao hơn, nhưng chuối ngữ là giống mà thị trường luôn ưa chuộng để dâng hương vào các ngày giỗ, tết và mùng 1, 15 âm lịch hàng tháng
Hình thức thu mua chuối ở Nghĩa Khánh có 3 nhóm. Nhóm gom hàng nhỏ lẻ thì chở bằng xe máy đi nhập cho các đại lý ở thị xã Thái Hòa. Nhóm khá hơn thì tập kết hàng rồi thuê xe tải hoặc gửi xe khách đi nhập ở TP Vinh. Nhóm làm ăn lớn thì chở chuối đi Ninh Bình, Nam Định và xuất khẩu sang Trung Quốc. Người các nhóm này tất cả đều là dân trong xã. Phó Bí thư Đảng ủy xã và vợ là Lê Thị Nhung ở xóm Thượng Khánh thuộc nhóm buôn bán lớn.
Ông Tim bảo: Những năm cao điểm, bình quân mỗi tháng nhà tôi vận chuyển được 15 chuyến xe (mỗi chuyến 18 tấn quả) chở đi xuất khẩu cho Trung Quốc. Còn thấp nhất mỗi tháng cũng chở được vài ba chuyến xe tải đi nhập cho thị trường Nam Định.
Ngày cuối tuần, Chủ tịch xã Nghĩa Khánh Lê Viết Xường đưa đường dẫn tôi về các xóm. Thấy tôi cứ tấm tắc khen đường làng ngõ xóm tất cả đều đã được bê tông hóa phong quang sạch sẽ, và nhà nào cũng xanh rờn một màu xanh của chuối, ông Xường bảo Nghĩa Khánh là một trong hai xã đầu tiên của huyện về đích NTM trong năm 2015. Tuy là xã thuần nông, nhưng tiền trong nhà dân thì lúc nào cũng có sẵn. Bởi vậy khi xã phát động các cuộc đóng góp nghĩa vụ, xây dựng quê hương, hay ủng hộ và làm từ thiện tình thương thì chỉ trong vài ngày là dân nạp đủ.
Chủ tịch xã và dân Nghĩa Khánh trao đổi về tính hiệu quả của cây chuối trong vườn hộ
Đến xóm Hồng Khánh, ông Lê Văn Luận bảo, nhà ông có 2 sào vườn, nhưng chỉ trồng cây chuối. Vài năm trước, ngày nào ông cũng bán được 5 - 7 buồng. Buồng ít nải được 100 nghìn đồng, to thì 120 nghìn.
Ông Lê Văn Luận ở xóm Hồng Khánh bên vườn chuối phủ kín của mình.
Dân ở đây được cái sướng nhất là ngày nào cũng có khách mang tiền vào nhà. Bình quân mỗi năm nhà ông chi tiêu rồi còn thu lãi được trên 100 triệu đồng từ tiền bán chuối. Trồng chuối dễ, năm đầu trồng thì cách 4m x 4m một cây, sau rồi nó cứ đẻ ra kín cả vườn. Chuối vùng này không hề có sâu bệnh, chăm bón thì chỉ lấy phân chuồng tấp vun vào gốc mỗi năm vài lần là đủ.
Ông Nguyễn Chung Kết, xóm trưởng Thượng Khánh khoe, xóm này có 164 hộ, đất vườn bình quân mỗi hộ có 2,5 sào, nhưng tất cả đều trồng chuối. Tiền bán chuối nhà ít nhất trong tháng cũng thu được tiền triệu trở lên. Như vậy là đủ chi tiêu, còn lại đến mùa vụ thu hoạch lúa và hoa màu thì bán đi để làm việc lớn.
Chị Nguyễn Thị Hường, một khách hàng chuyên đi thu mua chuối không dấu nổi niềm vui: "Nhờ chuối trong làng mà nhà em cũng có việc làm ổn định. Mỗi tháng em đi gom chuối 2 đợt để mang đi bán vào các ngày 1 và 15 âm lịch, mỗi đợt em mua hơn 200 nải, giá mua sỉ tại vườn 10 nghìn đồng/ nải, gửi xe về TP Vinh nhập được 20 nghìn đồng/nải.
Như vậy ngoài việc đồng áng ra, mỗi tháng em cũng làm thêm được 4 triệu đồng. Bình quân mỗi xóm cũng có tới 10 người đi buôn chuối. Xóm Hồng Khánh có 210 hộ, nhà nào cũng có tới hơn 2 sào chuối. Nếu tính theo trọng lượng thì mỗi ngày dân xóm này xuất bán được 5 - 6 tấn chuối quả, với giá mua tại vườn thấp nhất là 5.500đ/kg. Còn lúc cao giá thì dân bán đến 8.000 đ/kg".
Đường liên thôn trong xã Nghĩa Khánh ở đâu cũng rợp màu xanh của chuối
Chủ tịch xã Lê Viết Xường nhẩm tính: Chỉ tính 4m2 có một cây chuối, mỗi năm cho 1 buồng, giá 100 nghìn đồng/buồng, thì 1ha cho thu hoạch 250 triệu đồng/năm. Như vậy chỉ tính riêng về sản phẩm chuối trong vườn hộ 150ha, hàng năm dân Nghĩa Khánh đã thu được hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa nói tới hoa chuối bán cho các nhà hàng ăn đặc sản, thân và lá chuối là nguồn thức ăn dồi dào cung cấp cho tổng đàn gia súc, gia cầm của xã. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn