* Giá trị cây ăn quả mỗi năm thu trên 2.000 tỷ
* Nhiều tỷ phú, đại tỷ phú có hàng chục, hàng trăm hecta quế
Niềm vui người dân trồng cam Văn Chấn. |
Giá trị SX nông nghiệp năm 2019 đạt 7.204 tỷ tăng 1.153 tỷ so với năm 2015 trước lúc tái cơ cấu. Đó là kỳ tích mà nông nghiệp Yên Bái đạt được mà nhiều năm nằm mơ cũng không thấy...
Yên Bái là tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển, nhất là SX nông nghiệp còn manh mún, tự phát và theo lối truyền thống... Bởi thế nông nghiệp Yên Bái bao nhiêu năm qua trong vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, sản phẩm không tiêu thụ được bán mà như cho, khiến cho nhiều hộ nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng.
Dựa vào lợi thế của đất đai, các tiểu vùng khí hậu mà thiên nhiên ban tặng, trình độ canh tác của từng địa phương tỉnh Yên Bái đã triển khai 9 đề án tái cơ cấu SX nông nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm chủ lực, chất lượng cao cho sự bứt phá SX nông nghiệp lên một trình độ cao và hiệu quả hơn.
Trong 9 đề án phải kể đến một số đề án tiêu biểu được người dân hưởng ứng và thực hiện nhiệt tình, đó là: Đề án phát triển cây ăn quả ở các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên được hàng trăm hộ dân tham gia. Đây là những địa phương có thế mạnh phát triển cây có múi gồm cam, bưởi, quýt...
Sau 4 năm đã trồng mới được 646,4ha, riêng năm 2019 trồng mới 164ha. Mở rộng diện tích cùng với việc củng cố lại những vườn cây ăn quả có sẵn, cho đến nay tổng diện tích cây ăn quả của Yên Bái là 9.439ha, trong đó nhiều vùng cây ăn quả đặc sản: “Bưởi tiến vua” Đại Minh, cam sành Lục Yên, cam canh Văn Chấn...
Giá trị cây ăn quả mỗi năm thu trên 2.000 tỷ. Chỉ riêng vùng bưởi Đại minh huyện Yên Bình có 500ha, năm 2019 ước thu khoảng 150 tỷ, bưởi Diễn 500ha trong đó có 200ha bưởi kinh doanh, ước thu 60 tỷ. Chỉ riêng cây bưởi, nông dân Yên Bình thu trên 210 tỷ.
Yên Bái từ lâu nổi tiếng có vùng chè cổ thụ Suối Giàng với trên 300ha chè cổ thụ, trong đó có 400 cây được công nhận là cây di sản. Mới đây lại phát lộ vùng chè đại cổ thụ Giàng Pằng thuộc xã Sùng Đô, nhiều cây có chu vi 2,2 - 2,7m, tuổi đời từ 500 - 600 năm, được gọi là thủy tổ cây chè thế giới. Giá bán chè búp tươi có thời gian lên tới 120.000 đồng/kg, giá chè khô của một số DN xuất khẩu ra nước ngoài từ 3 - 5 triệu/kg.
Chè vùng cao trồng theo lối công nghiệp. |
Đề án phát triển chè vùng cao nhằm phát huy giá trị của cây chè vùng cao đang được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Với kế hoạch trồng 950ha, từ năm 2016 đến nay Yên Bái đã trồng trên 700ha, năm 2019 trồng mới 205ha, trong đó người dân tự bỏ vốn trồng 40ha. Ngoài vùng chè cổ thụ trên núi cao, Yên Bái đã hình thành vùng chè vùng cao canh tác theo lối công nghiệp ở các địa phương: Văn Chấn, Trạm Tấu với diện tích hàng trăm ha.
Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm, tập trung ở những xã nằm dọc sông Hồng ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên. Tổng diện tích dâu của Yên Bái hiện có 717,1ha. Hết năm 2019 trồng mới 413,4ha, trong đó trồng theo đề án 291ha, dân tự trồng 122ha. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã tới huyện Văn Chấn khảo sát để liên kết với nông dân trồng dâu nuôi tằm.
Nghề trồng dâu nuôi tằm mới phát triển ở Yên Bái trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mỗi ha cho thu nhập từ 250 - 300 triệu. Đề án đưa các giống dâu có năng suất, chất lượng cao vào SX cùng công nghệ mới để thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm thành nghề hái ra tiền cho nông dân.
Nuôi tằm dưới đất, công nghệ mới được áp dụng ở Yên Bái. |
Tỉnh Yên Bái hiện có hơn 56.000ha quế trồng tập trung ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên... đã mang lại thu nhập cao cho người trồng, chế biến và kinh doanh quế hàng nghìn tỷ đồng, chỉ riêng huyện Văn Yên mỗi năm thu nhập trong dân từ cây quế khoảng 600 tỷ.
Đề án phát triển cây quế đến nay đã trồng được 6.311ha, trong đó trồng tập trung 4.413ha, trồng phân tán 1.897,9ha bằng các giống quế chất lượng cao. Hiện Yên Bái là tỉnh có diện tích quế lớn nhất nước, huyện Văn Yên được mệnh danh là “thủ phủ” cây quế của Tây Bắc. Đề án phát triển cây quế, nhằm phát huy cây trồng truyền thống, phủ xanh đất trống đồi núi trọc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Nhiều tỷ phú, đại tỷ phú có vài chục đến cả trăm ha quế, đời sống người dân trồng quế đã thực sự đổi thay.
Để sản phẩm nông nghiệp của Yên Bái đến được các thị trường lớn trong và ngoài nước sau khi tái cơ cấu lại SX, giai đoạn 2019 - 2020 Yên Bái xây dựng 20 sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao trong đó có 5 sản phẩm hạng 3 sao được xây dựng năm 2019 là: Miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng Cù Nghĩa Lộ, bưởi Đại Minh. Các sản phẩm này đều là những đặc sản nổi tiếng của Yên Bái đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến từ lâu.
Rừng quế của người dân xã Đại Sơn có giá tiền tỷ. |
Ông Trần Thế Hùng (ảnh)- GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái: Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái gắn tái cơ cấu với xây dựng NTM, xây dựng các chuỗi sản phẩm, ứng dụng công nghệ khoa học vào SX rất thành công, tạo ra những bước ngoặt cho cho SX nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả cao. Hết năm 2019 tỉnh Yên Bái đã có 69 xã đạt chuẩn NTM, trong đó Trấn Yên là huyện đạt chuẩn NTM, TP.Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn của Yên Bái thay đổi từng ngày, nhiều vùng quê đã hóa phố, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn