Cách đây khoảng 4 năm, một hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa năng suất kém sang trồng khoai lấy ngó. Do đem lại thu nhập cao, từ đây, nghề này được nhân rộng thành hơn chục hộ tại thôn Đại Đồng (xã Lê Hồng).
Ông Bùi Duy Tin cho biết, trồng khoai không nhàn nhã như trồng lúa nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Thời tiết thuận lợi, khoảng 3 – 4 ngày khoai lại cho thu ngó. Mỗi cân ngó, ông Tin đổ buôn với giá 15 nghìn đồng.
Mỗi sào khoai một đợt cho thu khoảng 50 – 60 kg ngó. Theo các hộ dân, khoai ít sâu bệnh nên hiếm khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cách 15 ngày, người dân sẽ bón bổ sung lân để giúp khoai cứng cây, ra ngó nhanh và đều hơn.
Tại Lê Hồng, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục tìm đất ruộng hoang hóa thuê lại để trồng khoai lấy ngó.
Khoai giống thường được xuống từ tháng 7 Âm lịch, tới gần Tết Âm lịch thì được thu. Những hộ xuống giống sau thì sẽ có ngó để bán vào tháng Giêng năm sau. Khoai được trồng hàng cách hàng 35 cm. Sau đó được phủ rơm để giữ ấm và hạn chế cỏ mọc.
Ông Đặng Văn Hiển, cho biết, 3 ngày qua ông thu được 800 nghìn từ hơn một sào khoai lấy ngó. Số tiền ấy bằng tiền lãi nếu trồng một sào lúa trong một vụ.
Do có kinh nghiệm trồng, ngó khoai của người dân Lê Hồng luôn cháy hàng. Tuy nhiên giá không còn cao như lúc mới có 1 – 2 hộ trồng.
Hiện nay, người dân Lê Hồng đang rất mong mỏi huyện Thanh Miện cũng như tỉnh Hải Dương có phương án hỗ trợ người dân, mở rộng sản xuất nghề trồng khoai lấy ngó. Đồng thời chung tay tìm đầu ra lớn hơn, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Người Lê Hồng cần cù, nhạy bén với sản xuất, tiếp cận thị trường. Không chỉ trồng khoai, đầu mỗi thửa ruộng, họ còn trồng cả cây ngổ. Đây là gia vị không thể thiếu khi nấu cùng món ngó khoai để làm canh hay hầm xương.
Khi bán buôn cho đại lý, người dân sẽ đóng bao lớn. Còn khi bán lẻ tại chợ dân sinh, sẽ đóng từng túi nilon với trọng lượng 500gram, "khuyến mại" một nắm rau ngổ. "Như vậy chúng tôi dễ bán hàng hơn, mà người mua cũng tiện lợi", ông Tin chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn