Thực hiện chủ trương của địa phương chuyển đổi sản xuất từ độc tôn cây cao su sang trồng các loại cây ăn quả, nhiều gia đình nông dân ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã vươn lên, có cuộc sống ấm no. Hộ ông Nguyễn Văn Trung là một điển hình. Gia đình ông Trung đã áp dụng thành công mô hình trồng sầu riêng, đạt chất lượng cao nhất tại huyện Dầu Tiếng. Đặc biệt, trong 4 năm liên tiếp (2015-2018), ông đều đạt giải nhất, giải nhì tại hội thi trái ngon an toàn Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Trung thu hoạch sầu riêng. Ảnh: HỒNG NGA
Chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của ông Trung khi ông vừa trở về từ hội thi trái ngon an toàn Nam bộ (tổ chức ngày 1-6-2018 tại Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh). Niềm vui còn hiện diện trên gương mặt của ông và vợ - bà Phạm Thị Chỉ, vì vừa đoạt giải nhất và giải nhì tại hội thi. Không vui sao được khi 4 năm liên tiếp gia đình ông đều đạt giải cao. Ông Trung cho biết, năm 2000, ông mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng 320 gốc sầu riêng giống Ri6 và giống Monthong, trong đó giống Monthong chiếm đa số. Lý giải về việc chọn giống sầu riêng Monthong, ông cho rằng giống này có trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon, lại được thị trường ưa chuộng.
Nhờ chăm chỉ, tự mày mò học hỏi qua sách báo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông Trung đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây sầu riêng, ông cho biết, muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, người trồng cần tăng cường phân hữu cơ, trồng cỏ giữ ẩm cho gốc cây..
Nhờ vận dụng tốt kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, vườn sầu riêng của ông Trung luôn đạt năng suất cao, mỗi cây cho thu hoạch trung bình 200 - 250kg/năm. Năm nay, sầu riêng được giá, hiện ông bỏ mối 40.000 đồng/kg, nên với 329 gốc sầu riêng, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 1,3 tỷ đồng. Cây sầu riêng mang lại lợi nhuận cao nên năm 2016, gia đình ông trồng thêm 120 gốc sầu riêng RI6 xen canh với cây bưởi da xanh. |
Hiện gia đình ông Trung còn đầu tư hệ thống tưới phun sương và 3 máy bơm nước để rút hết nước trong mương vườn; đào rãnh thoát nước và dùng màng nylon phủ kín quanh gốc nhằm tạo khô hạn cho cây.
Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, người trồng cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết trong quá trình nuôi dưỡng trái; tùy theo giai đoạn phát triển của cây mà có cách bón phân phù hợp.
Ông Trung cho hay, người trồng cũng cần lưu ý là không được dùng cuốc xới ở gốc cây sầu riêng, bởi rễ cây nằm sát mặt đất, nếu xới sẽ làm đứt rễ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây; bón phân vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất.
Ông Trung chia sẻ niềm vui, hiện nay đầu ra cho sầu riêng ổn định, đến mùa gia đình ông chỉ việc cân bán tại vườn, các thương lái đến thu mua tận nơi. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân có nhu cầu trồng sầu riêng.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng không chỉ giúp gia đình ông Trung vươn lên khấm khá, được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi, mà còn góp phần đưa trái sầu riêng của huyện Dầu Tiếng vươn xa trên thị trường hiện nay.
Nhờ trái sầu riêng có chất lượng tốt, ổn định, thời gian gần đây nhiều thương lái đã đến gia đình ông Trung đặt mua sầu riêng lâu dài. Mô hình trồng cây sầu riêng của gia đình ông cũng luôn được huyện Dầu Tiếng chọn đại điện cho địa phương tham dự các hội thi lớn tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn