Tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học tại trường Đại học Mở TP.HCM, kỹ sư Thành có khoảng thời gian dài công tác tại Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân Đà Lạt, công việc thường ngày là bức xạ chọn tạo giống cây trồng. Nhờ đó, anh có kiến thức sâu rộng về đặc tính của nhiều loại cây, tính chất đất đai từng vùng. Trong thời gian đó, anh còn trồng thêm một số loại hoa phù hợp với khí hậu vùng cao nguyên lạnh quanh năm như: hoa hồng, hoa cúc...
Sơ chế bạc hà trước khi chưng cất tại cơ sở Tiến Thành.
Sau 9 năm sinh sống tại Đà Lạt, năm 2017, anh Thành quyết định về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương với tâm huyết giúp bà con nông dân biết đến những giống cây khác có giá trị kinh tế lớn. Thời gian đầu, sau khi nghiên cứu đất đai để tìm đối tượng cây trồng phù hợp, anh có ý định sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ nhưng nhận thấy đất đai không được quy hoạch thành từng vùng, sẽ rất khó sản xuất, anh chuyển hướng trồng cây bạc hà lấy dầu.
Anh Thành cho biết: Bạc hà là một giống cây quen thuộc với nhiều người nhưng lại không nằm trong danh sách cây trồng của nông dân. Bạc hà vừa có thể ăn trực tiếp, vừa có thể ép lấy tinh dầu sản xuất ra các sản phẩm như tinh dầu xông phòng, để trong xe ô tô, các loại mỹ phẩm, thuốc,.. rất nhiều công dụng tuyệt vời, tốt cho sức khoẻ.
Cây bạc hà lấy dầu ưa khí hậu nóng, phù hợp với miền Nam nóng quanh năm hơn là miền Bắc có mùa đông lạnh sẽ làm cây có ít dầu hoặc không có dầu. Tuy nhiên, anh Thành vẫn chọn trồng vì theo anh, lượng tinh dầu trong cây có thể cải thiện được qua kỹ thuật trồng. Hơn nữa, đây là loại cây dễ trồng, cho thu lãi cao nếu biết sản xuất đúng cách. |
Anh Thành thuê 1ha đất, thời hạn 5 năm trồng bạc hà, xả và hương nhu. Bạc hà là giống cây trồng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Để có hàm lượng tinh dầu cao, kỹ thuật trồng phải tốt, trong quá trình trồng không để cây bị úng nước dưới tác động của thời tiết.
Bạc hà được thu hoạch 2 vụ/năm, vào cuối tháng 3 và tháng 5, thời gian còn lại vẫn có thể thu hoạch để chiết tinh dầu tuy nhiên lượng dầu ít hơn.
Vào mùa thu hoạch, bạc hà được cắt thân cây hoặc lá từ ngoài cánh đồng và để tại các nơi thoáng mát, có bóng râm từ 1 tới 2 ngày làm héo bớt, nhằm mục đích hạn chế tối đa hàm lượng nước trong cây, tránh phơi ngoài ánh nắng vì như vậy hàm lượng tinh dầu sẽ giảm đi đáng kể khi chưng cất.
Tinh dầu bạc hà được sản xuất theo quy trình chưng cất. Lá bạc hà để trong nồi cất, đậy kín cho đến khi nước trong nồi sôi. Tinh dầu bạc hà tồn tại ở dạng hơi đi qua ống dẫn vào thùng làm lạnh, tinh dầu nguyên chất sẽ ngưng đọng tạo thành dịch lỏng và chảy vào bình hứng.
Số tinh dầu chiết ra được các công ty thu mua với giá 1 triệu đồng/lít, mua lẻ giá 1,2 triệu đồng/lít. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất tinh dầu Tiến Thành đạt doanh thu 240 đến 270 triệu đồng, thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Cây bạc hà được đánh giá có tiềm năng kinh tế gấp 3 lần cây lúa, người dân nên tham khảo để sản xuất vì nhu cầu của thị trường về tinh dầu bạc hà hiện nay là khá lớn.
Để mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở Tiến Thành rất cần được tạo điều kiện quy hoạch vùng, chuyển đổi đất để xây dựng trang trại, chấm dứt sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nhiều lao động, qua đó góp phần phát triển kinh tế vùng.
Huyền Thương-Khánh Linh/http://danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn