Mặc dù đã tích cực sản xuất trồng trọt, nấu rượu, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng cái nghèo, cái khó cứ dai dẳng đeo bám gia đình anh Anh. Năm 2011, đàn lợn của gia đình anh mắc dịch bệnh tai xanh, mất trắng hàng chục triệu đồng. Gánh nặng mưu sinh đè nặng, khó khăn chồng chất khó khăn khiến anh luôn trăn trở suy nghĩ, nung nấu quyết tâm tìm hướng đi mới để cải thiện đời sống gia đình. Ðến năm 2012, biết thông tin xã tiếp nhận dự án về chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP, anh Anh là một trong những người tham gia và nhiệt tình ủng hộ dự án. Vay vốn từ người thân, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi rộng 1.000m
2. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương và các công ty thuốc thú y tổ chức để nắm bắt thêm kiến thức. Tham gia VietGAP, anh được hỗ trợ các trang thiết bị như quần áo, ủng, khẩu trang, thuốc sát trùng, những vật dụng cần thiết để trực tiếp phục vụ cho việc chăn nuôi của gia đình. Cùng với đó, anh thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vắc-xin và phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh khu vực chuồng nuôi bảo đảm luôn sạch sẽ, thoáng đãng. Có thời gian rảnh rỗi, anh lại tìm đến những địa phương lân cận, tìm hiểu, nắm bắt, học hỏi những điều mới, những kỹ thuật hay để chắt lọc, làm phong phú thêm “cẩm nang chăn nuôi” của mình. Anh cũng thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài và mạng internet nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhờ đó, đàn vật nuôi của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, cho nguồn thịt sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn, là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái.
Cùng anh Anh đi thăm khu vực chăn nuôi, vừa quan sát chúng tôi vừa ghi chép những chia sẻ của anh. Khu vực chuồng nuôi lợn được chia thành 8 ô rất ngăn nắp, khoa học, có diện tích 200m
2, nuôi từ 60 - 70 lợn cời và lợn thịt, cao điểm lên tới 80 con. Trung bình một năm xuất bán từ 2 - 3 lứa, thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 60 - 70 triệu đồng. Với diện tích 600m
2, anh đào ao, thả nuôi cá trắm, trôi, mè, chép, một năm kéo lưới hai lần thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Cùng với đó, anh nuôi kết hợp từ 30 - 40 con ngan, gà và vẫn duy trì việc nấu rượu, vừa cung cấp rượu ra thị trường vừa có nguồn thức ăn bổ sung để chăn nuôi lợn. Tháng 2/2014, anh được VietGAP cấp giấy chứng nhận chăn nuôi thực phẩm sạch, an toàn. Tổng doanh thu từ mô hình VAC theo hướng VietGAP của gia đình anh Anh khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi từ 100 - 120 triệu đồng.
Từ một người nông dân quanh năm vất vả, bươn trải đủ nghề nhưng với nghị lực, tinh thần ham học hỏi, luôn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cộng với tư duy nhạy bén, anh Trần Văn Anh không chỉ đưa kinh tế gia đình mình ngày một phát triển đi lên mà còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè từng bước vượt qua khó khăn, khuyến khích, động viên bà con lối xóm chăn nuôi theo hướng VietGAP để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Theo baothaibinh.com.vn