PHÓNG VIÊN: - Anh có thể chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình từ khi có ý tưởng cho đến thời điểm này?
Anh NGUYỄN MINH NHÂN: - Năm 2012, khi mới tốt nghiệp ra trường, nhận thấy nhu cầu thị trường cho các sản phẩm NN sạch khá cao, tôi đã cùng 2 người bạn chọn khởi nghiệp NN sạch là con đường đi cho mình. Thông qua báo chí, chúng tôi được biết đến Khu NNCNC TPHCM. Sau khi tham quan chúng tôi rất ấn tượng với cơ sở vật chất cũng như sự nhiệt tình hỗ trợ của ban quản lý khu NNCNC.
Được tận mắt nhìn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng giúp hạn chế sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất tại khu NNCNC, chúng tôi đã quyết định ngay con đường của Vuông Tròn là trồng dưa lưới trong nhà màng. Thời gian này dưa lưới còn khá mới và khó trồng, nên chúng tôi càng muốn lựa chọn sản phẩm này, và xin tham gia Trung tâm Ươm tạo DN NNCNC thuộc Khu NNCNC của TP.
Ngày ra trường, trong suy nghĩ của tôi luôn là câu hỏi: Khởi nghiệp theo hướng nào. Ở Việt Nam, nói máy tính, điện tử hay xây dựng, bất động sản, bạn tìm trên Google sẽ có rất nhiều thương hiệu. Nhưng NN, cụ thể là trồng rau, quả sạch rất hiếm, trong khi mình là nước NN. Và tôi đã chọn NN và làm NN khác biệt với suy nghĩ, tức phải làm cái gì mới, khác, rút kinh nghiệm những cách làm trước. |
Sau hơn 2 năm ươm tạo, trung tâm tổ chức lễ tốt nghiệp cho chúng tôi. Nhưng khi không còn được hỗ trợ, chúng tôi phải tự tìm quỹ đất làm nhà màng để trồng dưa, tự chịu nhiều chi phí phát sinh về hạ tầng, con người. Thời điểm này cũng khá may mắn, khi 1 nhà đầu tư có mảnh đất hơn 2ha tại Châu Pha, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu muốn cùng chúng tôi phát triển mô hình này. Từ đầu năm 2016, Vuông Tròn chuyển địa điểm về Bà Rịa. Nhưng làm NN vốn không dễ lại chịu nhiều rủi ro về thời tiết. Khu vực này bão lũ nhiều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trồng dưa, mỗi mùa bão lũ chúng tôi lại phải tốn chi phí vận hành lại. Vì thế, chúng tôi quyết định dừng dự án ở đây để tìm địa điểm khác thích hợp hơn.
Đầu năm 2018, sau khi mua được một mảnh đất 2,2ha tại Củ Chi, tôi quyết định làm lại từ đầu với việc đầu tư nhà màng và gieo trồng. Khoảng 2 tháng nữa tôi sẽ có mẻ dưa lưới đầu tiên ra thị trường. Có điều may mắn là những khách hàng cũ từ thời chúng tôi còn ở trung tâm ươm tạo vẫn chấp nhận sản phẩm của chúng tôi.
- Vốn cho các khoản đầu tư vào NNCNC thường không ít, nhất là khi anh phải đầu tư nhà màng đến 2 lần. Vậy anh có tiếp cận được nguồn vốn vay nào?
- Tôi mới vay được khoản vốn 600 triệu đồng từ Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) theo hình thức tín chấp. Con số này khá khiêm tốn với những gì tôi bỏ ra đầu tư, nhưng cũng là nguồn động lực cho tôi bước tiếp trên hành trình của mình.
Khởi nghiệp NNCNC vốn đã khó, tiếp cận vốn vay còn khó hơn. Nếu những dự án công nghệ có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn ngay từ ban đầu, thì thường phải phải ổn định sản xuất mới có thể vay được vốn.
Với những khoản vay phải thế chấp, rất khó cho các DN khởi nghiệp vì thường chúng tôi không có tài sản lớn. Còn với nguồn vốn vay dưới dạng tín chấp, đòi hỏi người đi vay phải chứng minh được khả năng trả nợ, tài sản, dòng tiền. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, vốn ít, nhiều người mua sắm máy móc, trang thiết bị nhưng không lấy hóa đơn để đỡ tiền thuế, nhưng về sau khó thuyết minh tài sản cũng như khấu trừ thuế thu nhập DN.
Với nguồn vốn từ quỹ đầu tư, bản thân tôi cũng từng nghĩ tới sẽ tiếp cận. Nhưng như tôi nói ban đầu, NN với đặc tính nhiều rủi ro nên khó tiếp cận quỹ từ sớm.
- Khó tiếp cận vốn vay, hành trình khởi nghiệp lại gian nan, có khi nào anh muốn từ bỏ con đường khởi nghiệp của mình?
- Cũng có những lúc quá khó khăn như thời điểm ở Bà Rịa, tôi cũng đã nghĩ thoảng qua trong đầu về việc chọn con đường khác để đi. Thế nhưng nghĩ lại đam mê trong mình quá lớn, cũng dành cả tâm huyết, tài chính để đi trên hành trình này, nên không thể dễ dàng bỏ cuộc. Khi tôi sở hữu được 2,2ha đất ở Củ Chi, niềm tin càng vững vàng hơn. Tôi luôn tự nhủ rằng các DN lớn có cách làm của họ, tôi DN khởi nghiệp cũng có cách làm của riêng mình.
Nói đến làm NNCNC thực sự muôn vàn cái khó. Ngoài vốn để đầu tư, tiếp cận công nghệ phù hợp, khi có sản phẩm rồi làm sao thuyết phục được người tiêu dùng chấp nhận mua cũng không hề đơn giản. Nhớ những ngày đầu khi dưa của Vuông Tròn có giá bán cao hơn thị trường, chúng tôi đã phải tìm mọi cách để thuyết phục khách hàng. Làm sao chứng minh được mình làm sạch từ việc đầu tư máy móc để đảm bảo nguồn nước, sử dụng nguồn phân bón sạch từ Israel thay vì phân bón Trung Quốc, đầu tư nhà màng giảm thiểu sâu bệnh… là câu hỏi chúng tôi tự đặt ra cho mình.
Cuối cùng chúng tôi đã chọn phương án đưa khách xuống thăm quan khu nhà màng của mình ở trung tâm ươm tạo để chứng minh với họ. Đó cũng là cách làm hiệu quả cho những DN nhỏ, không có chi phí truyền thông như Vuông Tròn.
Ngoài ra, khi bàn về khởi nghiệp NNCNC, công nghệ, nguồn giống… thường xuyên phải cập nhật, tiếp cận để theo kịp với những thay đổi của thế giới. Tuy nhiên điều này lại không dễ dàng với các DN khởi nghiệp như chúng tôi.
- Có ý kiến cho rằng để giảm bớt khó khăn trong hành trình khởi nghiệp NNCNC, việc liên kết là rất cần thiết, anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Thực tế khi tôi làm sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng cũng có sự hỗ trợ qua lại giữa những người bạn, những người cùng trên hành trình đầu tư vào NN. Điều này cho thấy nếu hình thành được những chuỗi liên kết trong NN, nhất là dành cho những DN khởi nghiệp, sẽ rất tốt, hạn chế bớt khó khăn ở những khâu mình không chuyên.
Tất nhiên khi liên kết sẽ khó tránh khỏi việc đụng chạm lợi ích của mỗi bên, vì thế cần có người “cầm trịch” trong những liên kết này.
- Xin cảm ơn anh.