Chúng tôi có mặt tại làng hoa kiểng Cái Mơn đúng vào dịp người dân nơi đây đang tất bật chăm sóc hoa kiểng phục vụ người tiêu dùng khi Tết cổ truyền 2018 đã cận kề.
Toàn xã Vĩnh Thành có gần 20.000 dân phân bố trên 12 ấp, trong đó có trên 96% dân số sống bằng nghề vườn, kinh doanh hoa kiểng, ương cây giống các loại. Xã không có hộ nghèo, tỷ lệ khá giàu trên 70%.
Ông Nguyễn Văn Phát, ngụ xã Vĩnh Thành cho biết: “Nhà tôi đã có 4 đời kinh doanh hoa kiểng; hồi xưa chỉ có mai vàng và một số kiểng cổ cùng các loại hoa truyền thống. Đâu như bây giờ có hàng trăm loại hoa kiểng, nội địa có, nước ngoài nhập về có, nhất là sự xuất hiện của các loại hoa treo. Biết sao hơn. Mình cứ “hoài cổ” thì thua ngay trên sân nhà”.
Nhiều du khách đến với Cái Mơn đã không ngăn được sự ngạc nhiên và thích thú khi được “lạc” vào làng hoa kiểng muôn màu, muôn sắc, đủ mọi chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, tuổi thọ… được mệnh danh là "vương quốc" hoa kiểng miền Tây nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.
Ông Tập Thiên Thanh, du khách đến từ Trung Quốc nhận xét: “Quá tuyệt vời khi được tham quan làng hoa kiểng vô cùng độc đáo này. Điều đáng khâm phục là chính quyền và người dân vừa phát huy thế mạnh vốn có là hoa kiểng để “hái” ra tiền, vừa ra sức quảng bá nét đẹp, nét văn hóa truyền thống hiếm hoi mà thiên nhiên đã ban tặng. Thật đáng trân trọng!”.
Theo báo cáo từ chính quyền sở tại, hiện nay mỗi năm, làng hoa kiểng Cái Mơn đã cung ứng cho thị trường Tết trên 600.000 chậu mai vàng (chủ yếu là mai ghép); gần 1.000.000 kiểng làm bằng cây tắc (có nơi gọi là cây hạnh); trên 1.700.000 chậu cúc các loại, vạn thọ…; 350.000 giỏ hoa treo; gần 1.100.000 chậụ kiểng lá; gần 500.000 chậu hoa kiểng khác chiếm trên 70% sản lượng hoa kiểng của huyện Chợ Lách.
Khi hỏi về việc bao nhiêu người Cái Mơn có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm, ngay lập tức chúng tôi bắt gặp nụ cười rất ngạc nhiên và câu trả lời gọn lỏn: "Sao lại vài người, hàng trăm người kia chứ. Tỷ phú xứ này “bao la” lắm. Mấy anh nhà báo muốn tiếp cận bao nhiêu cũng có". Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Đủ trả lời hài hước nhưng rất thật.
Bà Nguyễn Thị Hoa Đào, 67 tuổi, người chuyên mua bán mai vàng đã 50 năm cho biết: “Mỗi năm tôi mua bán mai vàng hàng ngàn chậu, cạnh đó còn trồng thêm khoảng 8.000 chậu cúc Mâm Xôi, 5.000 cúc Thái Lan, có năm trồng thêm bông Vạn Thọ, trừ hết các các chi phí đầu tư, cũng kiếm được từ 500 đến 700.000 triệu đồng, ăn Tết vô tư luôn”.
Cái Mơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều người tài cho đất nước, trong đó có danh nhân Trương Vĩnh Ký, một bậc kỳ tài của đất nước. Cạnh đó, do địa hình nằm cạnh sông Cái Mơn phù sa màu mỡ quanh năm nên cây trái phát triển rất tươi tốt, đặc biệt là các loại đặc sản rất nổi tiếng trong và ngoài nước như: Chôm chôm, sầu riêng… Cái Mơn còn được cả nước biết đến do đây là vùng sản xuất cây giống chất lượng cao lớn nhất cả nước. Tất nhiên thế mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển làng nghề hoa kiểng truyền thống luôn được quan tâm đầu tư đúng mức.
Ông Nguyễn Văn Thường, chủ cơ sở sản xuất cây giống 6 Thường vui vẻ kể: “Bà con Cái Mơn mấy năm qua làm ăn khấm khá lắm bởi đáp ứng cùng lúc 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhà tôi chuyên bán cây giống đã 40 năm, hồi trước là cây sầu riêng, chôm chôm, nay chuyển sang bán cây mít giống, năm nay trúng giá chắc lời trên 1 tỷ đồng”.
Điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là Cái Mơn không chỉ có trên 400 nghệ nhân đã qua trường lớp chăm sóc, tạo dáng cây cảnh, chăm sóc hoa kiểng các loại mà hầu hết cán bộ, công chức, viên chức từ xã đến 12 ấp đều là những nghệ nhân hoa kiểng rất lành nghề. Đây là điều kiện rất thuận lợi bởi họ là những hạt nhân đầu tàu để hòa nhập vào xu thế phát triển kinh tế chung của địa phương. Những tiến bộ mới, thông tin mới có liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều được cập nhật nhanh, chuyển tải nhanh đến với nông dân bằng nhiều kênh thông tin, trong đó biện pháp tuyên truyền miệng đã và đang phát huy hiệu quả tốt nhất.
Không chỉ phát huy tiềm năng kinh tế trên lĩnh vực trồng trọt, ương cây giống; những năm qua Cái Mơn còn đầu tư phát triển thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn thông qua việc hình thành khá nhiều điểm tham quan du lịch. Thú vị lắm khi du khách được tham quan những vườn trái cây đặc chủng của xứ sở này; được nghe kể về truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân xứ đạo Cái Mơn (hơn 80% dân số xã Vĩnh Thành theo đạo Thiên Chúa) qua các thời kỳ đấu tranh giữ nước; được thưởng thức những bản đờn ca tài tử rất mộc mạc, chân quê; tha hồ ngắm những rừng mai bạt ngàn bất tận; những chậu hoa kiểng độc; lạ đang mời gọi du khác nhanh tay khám phá.
Ông Mai Hồng Thảo, chủ vườn du lịch 7 Thảo tự hào nói: “Chúng tôi làm du lịch không đặt nặng về lợi ích kinh tế mà chú trọng quảng bá hình ảnh đất và người Cái Mơn. Vậy mới là chuyện lạ chớ. Lo kiếm tiền mà quên đi hồn cốt quê hương là bậy lắm đó”.
Rất nhiều du khách đến với Cái Mơn đều có chung nhận xét: Đây là vùng đất lành chim đậu. Cảnh đã đẹp mà lòng người càng đẹp hơn, hiếu khách hơn. Ở đây không có chuyện thách đố về giá cả; họ lịch lãm và rất nhã nhặn, tế nhị. Điều đáng nể nhất là những nông dân miệt vườn chính tông 100% nhưng sử dụng công nghệ thông tin rất nhuần nhuyễn và trình độ về khoa học kỹ thuật quá cao cường”.
Ông Trần Văn Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành nói thêm: “100% cán bộ xã, ấp đều rành rẽ chuyện hoa kiểng, cây giống, trái cây. Không những tự làm giàu cho bản thân mà còn tư vấn rất tốt cho người khác”.
Ông Trần Văn Thái Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: “Nói không phải “nổ” đâu nghe. Nếu đem Cái Mơn đi thi về cái chuyện phát triển kinh tế, chuyện làm giàu, chuyện trồng hoa kiểng, cây giống, trái cây ngon, sạch thì sẽ không thua ai đâu”.
Cái Mơn vẫn vậy. Làng nghề trăm năm vẫn tự tại, thong dong, thư thái với cuộc đời. Cái Mơn vẫn trầm mặc uy thiêng trong tiếng chuông nhà thờ lan xa trên sông rộng, lan xa trên các thửa vườn cây ăn trái đang trĩu quả, sai cành; lan xa trên những cánh rừng mai tít tắp; những rừng hoa kiểng muôn màu. Thật khó quên Cái Mơn trong lòng bao du khách bởi ở đó có những con người rất hiếu khách, chân chất, đôn hậu đến lạ thường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn