Ngoài ra còn tránh lãng phí hơn 4.000 tỷ đồng và giảm gánh nặng cho môi trường, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản.
“Chúng tôi muốn phun một lần là sâu chết”
Gia đình bà Đặng Thị Trâm ở xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, Nam Định đang trồng 8 sào lúa với 2 giống chính là bắc thơm số 7 và BC15. Thời gian này, lúa đang trổ đòng - giai đoạn dễ bị sâu cuốn lá. Thường sau khi có thông báo của cơ quan khuyến nông về tình hình sâu bệnh và khuyến cáo về tên thuốc trừ sâu, liều lượng, bà sẽ ra cửa hàng để mua.
“Tôi chỉ cần nói diện tích và tên bệnh, người bán sẽ tự lấy thuốc và chỉ cách pha” - bà Trâm nói và cho biết thêm, đôi khi dịch bệnh nặng, bà tự quyết định phun 2 lần, cách nhau từ 3-5 ngày theo cách mà người trong làng, xã truyền tai nhau.
“Năm 2015, lúa bị đạo ôn rất nặng, chúng tôi phun thuốc xong, 3 ngày sau phun lại, đi thăm đồng thì thấy đỡ hơn những nhà không phun. Từ đó, nhà nọ bảo nhà kia, bệnh nặng thì phun 2 lần, bệnh nhẹ phun 1 lần. Chúng tôi muốn phun một lần là sâu chết, không mất công phun nhiều lần”- bà Trâm nói.
Theo các nhà khoa học, tâm lý như bà Trâm rất phổ biến. Một nghiên cứu tại Đồng bằng sông Cửu Long do tiến sỹ (TS) Phạm Văn Toàn - Trưởng bộ môn Kỹ thuật môi trường, Đại học Cần Thơ - thực hiện cho thấy, hơn 85% số hộ được hỏi dùng thuốc để khống chế sâu bệnh, lý do chính là có hiệu quả tức thì. Người dân thường dùng liều cao hơn chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Những người dùng đúng liều nếu thấy không hiệu quả sẵn sàng tăng liều ở lần sau.
Người dân thôn Táo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) phun thuốc trừ sâu cho lúa. Ảnh: Loan Lê
PGS-TS Nguyễn Văn Viên - nguyên Phó trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: “Một số đại lý hướng dẫn nông dân sử dụng hỗn hợp 2-3 loại thuốc trong khi trên bao bì, nhà sản xuất ghi sử dụng riêng từng loại. Có lần tôi gặp bác nông dân xách túi thuốc ra đồng, hỏi thì được biết ruộng có sâu, người bán hàng hướng dẫn phun 3 loại. Tôi xem thuốc, khuyên chỉ nên phun 1 loại và đem trả 2 loại kia. Một tuần sau gặp lại, bác nông dân hồ hởi bảo: Nghe lời thầy mà sâu vẫn chết”.
Từ thực tế tiếp xúc với nông dân, TS Vũ Dương Quỳnh - phòng Hóa môi trường, Viện Môi trường nông nghiệp - bổ sung: “Nông dân muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc nên trộn 3-4 loại thuốc mà không biết rằng hiệu ứng của chúng khác nhau. Có thuốc được cây hấp thụ để sâu ăn phải, có loại phun trên bề mặt là sâu chết. Việc trộn lẫn chưa chắc đã hiệu quả bằng phun riêng”.
Có thể giảm 40% lượng sử dụng thuốc BVTV
Điều tra của Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2010 cho thấy, tỷ lệ nông dân sử dụng đúng nồng độ, liều lượng thuốc BVTV là 22,1-48% đối với lúa, 26,7% đối với rau và 23,5-34,1% đối với chè. Nhiều nông dân tăng liều lượng gấp 3-5 lần cho phép. Ở các tỉnh phía nam, có tới 38,6% số hộ dùng liều cao hơn khuyến cáo và 29,7% số hộ tự ý pha trộn nhiều loại thuốc.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Trưởng phòng Quản lý thuốc, Cục BVTV - cho biết, điều tra mới nhất về thực trạng sử dụng thuốc BVTV của người dân được thực hiện năm 2014, tuy nhiên kết quả chưa có nhiều thay đổi so với điều tra năm 2010.
Dựa trên các dữ liệu thực tế, ông Trương Quốc Tùng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam - tính toán: Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa (IPM) áp dụng trên cả nước giúp giảm 60% lượng thuốc BVTV, 8% chi phí sản xuất và tăng 8% năng suất, 16% lợi nhuận. Điều tra tại Vĩnh Phúc cho thấy, việc thực hiện quy trình VietGAP - giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV hoặc dùng thuốc sinh học - giúp lợi nhuận tăng từ 1,35 triệu đồng/ha (mô hình gia đình) đến 33 triệu/ha (mô hình cung cấp cho siêu thị).
Ông Tùng nói: “Nếu các tiến bộ đó được áp dụng cho toàn bộ diện tích trồng trọt thâm canh cả nước (khoảng 10 triệu hécta) thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 30 triệu lượt phun thuốc, tương đương 30.000 tấn thuốc BVTV, bằng 40% số thuốc tiêu thụ hằng năm (khoảng 75.000 tấn), trị giá khoảng 210 triệu USD (trên 4.000 tỷ đồng). Đáng nói là hiệu quả sản xuất, lợi nhuận và môi trường đều rất lớn”.
Đào tạo nông dân thành chuyên gia
Cũng theo điều tra năm 2010 của Cục BVTV, mỗi thanh tra viên phụ trách 290 đơn vị sản xuất, buôn bán thuốc, 100.000ha trồng trọt và 100.000 nông hộ sử dụng thuốc BVTV. Cho rằng lực lượng cán bộ quá mỏng, TS Vũ Dương Quỳnh phân tích: “Mỗi gia đình trồng một giống và tại một thời điểm. Cán bộ đi kiểm tra tình hình sâu bệnh cũng chỉ lấy điểm ngẫu nhiên rồi đưa ra khuyến cáo chứ không thể đi đến từng gia đình. Nếu chọn phải nhà bị sâu bệnh nặng rồi khuyến cáo chung thì có nhà phun đúng dịp, có nhà chưa cần phun đã phun rồi, có nhà lại muộn quá. Cần khuyến cáo bà con trồng cùng đợt, cùng chủng loại để phun đồng loạt mới hiệu quả. Nếu không, mỗi giống có một loại bệnh với sức đề kháng khác nhau, có khi ruộng này chưa khỏi lại lây sang ruộng khác”.
Theo ông Tùng, tình trạng nông dân không cách ly đủ thời gian sau khi phun thuốc cũng cần được khắc phục, bởi đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tồn dư thuốc BVTV trên nông sản vượt mức cho phép. PGS Viên cho rằng, những thuốc BVTV mà Việt Nam dùng, thế giới cũng dùng, vấn đề là chưa quản lý được thời gian cách ly của nông dân. Nếu cách ly đủ, thuốc sẽ kịp phân rã để dư lượng đảm bảo mức cho phép.
“Nếu lúa bị sâu khi làm đòng, phun trước lúc gặt hơn 30 ngày là hợp lý. Nếu lúa sắp chín (trước thu hoạch 5-10 ngày) mà có rầy, chúng tôi khuyến cáo bà con gặt chạy (gặt sớm) thay vì phun thuốc” - PGS Viên nói. Theo ông, hiện nay nhiều nông dân đã được đào tạo để trở thành chuyên gia - nghĩa là khi thăm ruộng có thể tự bắt bệnh, kê đơn được, nhưng số lượng chưa nhiều.
“Việc cần làm là tăng số nông dân có kiến thức thông qua các chương trình đào tạo. Đến nay, tỷ lệ nông hộ áp dụng IPM chỉ đạt 15-20% dù chương trình này đã được chứng minh là thay đổi hiệu quả thái độ, nhận thức, thói quen của nông dân trong quản lý dịch bệnh. Có kiến thức, người dân sẽ chọn đúng thuốc, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly, sản phẩm cuối cùng sẽ không còn sự ám ảnh của thuốc BVTV” - PGS Viên nói.