Cây gỗ nghiến thuộc quần thể 231 cây gỗ nghiến, gỗ trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Cây có chu vi thân là 9,6m, đường kính 3,1m và chiều cao khoảng 45m. Bằng phương pháp khoan tăng trưởng, đồng thời sử dụng phương pháp đối chứng thực tế đã xác định tuổi của cây khoảng 1.000 năm. Đây là Cây di sản thứ 4 được công nhận trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sau cây đa tại Đền Thượng (thành phố Lào Cai) và 2 nhóm cây vân sam, cây đỗ quyên trên Vườn Quốc gia Hoàng Liên (huyện Sa Pa).
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Những năm qua, Hội đã công nhận hơn 700 Cây di sản thuộc 60 loài ở 45 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có cây gỗ nghiến tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà. Đây là cây gỗ nghiến lớn nhất Việt Nam, có nguồn gen quý hiếm thuộc nhóm IIA, lại nằm trong khu vực rừng thờ cúng của cộng đồng dân cư thôn Cốc Sâm. Vì vậy việc công nhận cây gỗ nghiến là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài đặc hữu này, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cao Đức Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, việc công nhận cây gỗ nghiến là Cây di sản Việt Nam không chỉ là bằng chứng xác thực về rừng nguyên sinh trong khu vực huyện Bắc Hà mà còn góp phần tạo sự đa dạng các loại hình dịch vụ và du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến huyện Bắc Hà, là điểm nhấn quan trọng và là động lực thúc đẩy cho du lịch sinh thái phát triển.
VT
Theo monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn