Ở thôn Cát Tiên, xã Cát Vân (Như Xuân) ông Hoàng Văn Tuấn nổi tiếng khắp vùng với trang trại rộng hơn 60 ha. Từ một lão nông nghèo khó, nhưng bằng ý chí nghị lực, sự cần cù lao động, ông Tuấn đã biến vùng đồi hoang hóa thành khu trang trại tổng hợp, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2005, ông Tuấn bắt đầu làm các thủ tục xin huyện cấp phép xây dựng trang trại tổng hợp, với diện tích nhận thầu khi ấy khoảng 1 ha. Có đất nhưng việc tìm vốn đầu tư cho trang trại lại trở thành bài toán khó với gia đình ông Tuấn lúc bấy giờ. Thế rồi ông quyết định bán bộ ngựa gỗ, với giá 9 triệu đồng để mua trâu, bò giống và cải tạo đất trồng mía nguyên liệu, trồng rừng. Nhờ biết luân chuyển đồng vốn hợp lý nên việc đầu tư vào trang trại của ông Tuấn ngày càng sinh lợi nhuận. Có được số vốn kha khá sau vài năm sản xuất, lại nhận thấy tiềm năng về đất đai ở địa phương có thể mở rộng quy mô trang trại, trong khi những hộ dân xung quanh sản xuất manh mún không hiệu quả, ông Tuấn đã thuê lại đất để tổ chức sản xuất phù hợp hơn. Trong tổng 60 ha đất ông Tuấn đã quy hoạch hơn 30 ha đất đồi trồng cây lâm nghiệp, còn lại là ao cá, vườn thanh long 700 trụ, hơn 500 gốc bưởi, chanh, ổi và nuôi gần 50 con bò và đàn dê. Ông Tuấn cho biết, ngoài 30 ha rừng, còn lại 30 ha đất tại các bãi ven đồi trước đây gia đình ông chỉ trồng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, do kỹ thuật thâm canh thấp, ít đầu tư nên thu nhập 1 ha mía sau khi trừ chi phí chỉ được khoảng 20 triệu đồng. Hơn 3 năm nay, trên diện tích đất này ông Tuấn đã thay thế bằng các giống cây ăn quả như: Thanh long, ổi, bưởi, táo, chanh, mía ép nước. Đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến nên giá trị kinh tế trên mỗi ha đều được nâng lên gấp nhiều lần so với trước khi chuyển đổi. Đơn cử như cây mía ép nước, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 50 tấn/1 ha, giá bán 2,5 triệu đồng/1 tấn, giá trị đạt khoảng 125 triệu đồng/1 ha. Hay cây thanh long, năm 2016, thu hoạch được 6 tấn, với giá trị khoảng 120 triệu đồng.
Lão nông Hoàng Văn Tuấn còn là “ông chủ” đứng ra đầu tư giống, phân bón, ứng tiền cho nhân dân trong vùng trồng mía nguyên liệu. Theo tính toán của ông Tuấn, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập hơn 500 triệu đồng từ các sản phẩm của trang trại và hoạt động đầu tư cho nhân dân trồng mía. Nói về thành công của việc đầu tư phát triển trang trại, ông Tuấn chia sẻ: “Mạnh dạn đầu tư, năng động và thích ứng với diễn biến thị trường là yếu tố quyết định thành công của những người nông dân làm trang trại như tôi. Hiện nay, nhu cầu rau, quả trong tỉnh khá lớn, quan trọng là chủ trang trại phải chủ động đi chào hàng, tìm kiếm thị trường. Các sản phẩm trong trang trại của gia đình tôi đều được các cửa hàng, đại lý trong tỉnh, huyện nhận tiêu thụ hết.
Nhờ tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cùng với việc năng động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, lão nông Hoàng Văn Tuấn không những làm giàu cho mình mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
.Bài và ảnh: Trần Thanh/ Báo Thanh Hóa