Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước tại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Mở đầu cho buổi lễ là Video Clip “Hà Tĩnh, Mảnh đất – Con người” giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Hà Tĩnh theo dòng lịch sử. Tiếp đến ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát biểu lời khai mạc buổi lễ, khái quát thân thế sự nghiệp Nguyễn Du, người con của quê hương, đồng thời nhấn mạnh: "Trong ngày lễ trọng đại này, chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc những đóng góp thiên tài của Đại thi hào Nguyễn Du đối với đất nước và nhân loại; nguyện mãi mãi gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn, vì mục tiêu cao đẹp. Đặc biệt trong thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của đồng chí, đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc tế, Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả khá toàn diện và vượt bậc về kinh tế xã hội. kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, Khu kinh tế Vũng Áng là Khu kinh tế động lực của khu vực, cả nước và có tầm cỡ quốc tế, các dự án trọng điểm được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả. Phong trào xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực giáo dục nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước; văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực. quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân không ngừng được nâng lên".
Tiếp đến là Chương trình Nghệ thuật: “Tiếng Thơ ai động đất Trời” giới thiệu Vùng đất địa linh nhân kiệt Hà Tĩnh- đất Phượng Hoàng do 180 diễn viên đến từ Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam , CLB Patin và Trường Mỹ thuật Nguyễn Du biểu diễn đã khắc họa bức tranh toàn cảnh của Hà Tĩnh, với núi Hồng, sông Lam, với cảnh phượng hoàng bay lượn và chân dung của những anh hùng hào kiệt qua từng thời đại. Đồng thời gợi lại hình ảnh mỗi lần những nhân vật thành đạt nhất (trên phương diện quan lộ và khoa bảng) có dịp về thăm cố hương, trăm họ háo hức, hãnh diện tham dự và chứng kiến khung cảnh "y cẩm hồi hương" (áo gấm về làng), một trong những nét đẹp truyền thống, nhằm tôn vinh những người có công với nước với dân, làm rạng danh quê hương... năm Tân Mão (1771), Tể tướng Nguyễn Nghiễm (1708-1776) xin về hưu, được thăng Đại Tư Đồ. Quan tể tướng mang theo cậu con trai Nguyễn Du (cậu Chiêu Bảy) lúc đó lên 6 tuổi, cùng quay về thăm làng Tiên Điền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (trái), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (giữa), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Bà Katherine, đại diện Unesco tại Việt nam tham dự buổi lễ
Sau đó là phần giới thiệu: “Quê mẹ Kinh Bắc”, quê mẹ của Nguyễn Du cũng là vùng địa linh nhân kiệt nổi tiếng. Đặc biệt hơn, đó còn là vành nôi của văn hóa Quan họ... bằng những làn điệu Quan họ cổ, làn điệu "Ngồi tựa mạn thuyền" với những con sông, mái đình, cây đa, cảnh các liền anh, liền chị hát đối, đưa đón nhau lên thuyền, xuống thuyền… cùng với hình ảnh cậu bé Nguyễn Du sinh ra trong lầu son gác tía, lớn lên trong khung cảnh thơ mộng của quê mẹ... Ai ngờ, tai họa dồn dập ập xuống cuộc đời ông để rồi sau "mười năm gió bụi", Nguyễn Du mới có dịp về lại cố hương (Tiên Điền)...
Ngôi làng cổ Kim Thiều - quê ngoại của thi hào Nguyễn Du còn có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Hương Mạc (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Nơi đây còn lưu giữ những dấu vết cậu Chiêu Bảy từng sống với người mẹ trẻ xinh đẹp, cùng các anh chị em ở quê ngoại thời thơ bé. Phải chăng vì được nuôi dưỡng bởi sự giao hòa, hội tụ và thăng hoa từ ba ngọn nguồn cảm hứng, tinh thần và minh triết Thăng Long ( nơi sinh ra) - Kinh Bắc (quê mẹ) và Tiên Điền (quê cha), mà Nguyễn Du trở thành đại thi hào với kiệt tác bất hủ Truyện Kiều !..
Điểm nhấn của Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” còn thể hiện ở phần nội dung: “Tiếng thương như tiếng mẹ ru” với hoạt cảnh Nguyễn Du đọc văn tế và “Duyên nợ Nghi Xuân” dưới những cánh đồng Tiên Điền thẳng cánh cò bay, cảnh người dân làm đồng, thu hoạch.
Tất cả những sáng tác quan trọng nhất, đặc sắc nhất, nhân đạo nhất của Nguyễn Du – tinh hoa nghệ thuật thi ca Việt Nam – từ điển tâm hồn Việt Nam thu nhỏ - minh triết Việt Nam và tác động của nó đến cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng Việt Nam qua một số tác phẩm của Nguyễn Du được tái hiện với các hình thức văn học nghệ thuật – sinh hoạt văn hóa dân gian từ ngâm thơ Kiều, cải lương diễn Kiều, tuồng diễn Kiều, ca trù, lẩy Kiều, bói Kiều...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bà Katherine tại buổi lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Hình ảnh núi Hồng, sông Lam, cảnh Tiên Điền- Nghi Xuân, cảnh sinh hoạt của các nhóm hát, cảnh lẩy Kiều- Ví giặm cho thấy: Ngay từ nhỏ, Nguyễn Du đã nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ, sớm bộc lộ tài năng sáng tạo văn chương trong một gia đình quyền quý, có nhiều người sáng tác văn chương, kết hợp với những trải nghiệm cuộc đời Nguyễn Du đã hoàn thiện và nâng tầm khái quát tư tưởng về xã hội và thân phận con người trong các sáng tác của mình. Những tác phẩm ấy được thai nghén không chỉ từ "bầu sữa nho giáo", mà còn nẩy mầm bén rễ từ tri thức văn hoá dân gian cùng sự kết tập tinh hoa văn hóa Việt; những trải nghiệm xã hội cùng những tiên cảm phi thường của một đại văn hào... giải mã ngôn ngữ trong Truyện Kiều người đọc cảm nhận, thụ hưởng và khai thác được các giá trị văn hoá đặc sắc nhất của người Việt mà Nguyễn Du đã kí thác trong đứa con tinh thần của mình. Đó là các giá trị làm nên hồn cốt Việt, không thể trộn lẫn, bao gồm: giá trị triết học, giá trị luân lí, giá trị xã hội, giá trị tôn giáo, giá trị văn chương…
Chương trình “Tiếng thơ ai động đất trời” còn lồng hình ảnh cảnh khu Bảo tàng và mộ Nguyễn Du với bức tranh ký họa và qua giọng ngâm thơ: Nguyễn Du để lại cho hậu thế ba tập thơ chữ Hán, với 249 bài gồm: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục; và những sáng tác bằng chữ Nôm tiêu biểu: Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai Phường Nón và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều (hay khúc ca đứt ruột - Đoạn trường tân thanh như tên Nguyễn Du đặt cho Truyện Kiều). Nhưng trên hết, các chiều kích sâu xa nhất và cao vời nhất trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là Kiều chứa chan tình yêu thương với phụ nữ và những con người bất hạnh, bị vùi dập và lăng nhục dưới triều đại phong kiến ngày xưa.
Cuối cùng là cảnh "Nguyễn Du viết Kiều- đất nước hóa thành văn" đã đưa đến đêm kỷ niệm 250 Ngày sinh và vinh danh Danh nhân Văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du thành đêm liên hoan nghệ thuật vô cùng độc đáo và giá trị. Nâng tầm ảnh hưởng của Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều bất hủ đến ngàn vạn năm sau đối với dân tộc Việt Nam và trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: " Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế… Kỷ niệm 250 năm Ngày Sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau; tích cực giới thiệu, quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài, làm rạng danh văn hóa Việt Nam". |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn