TS Bùi Đạt Trâm hệ thống lại sự nghiệp thủy lợi vùng ngập lụt ĐBSCL từ thời nhà Nguyễn. Theo đó, “Địa bàn trọng điểm các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… từ xa xưa tới năm 1975, trên mảnh đất này, từ thời phong kiến nhà Nguyễn, nối tiếp qua Pháp thuộc, rồi đến Việt Nam Cộng hòa đã giải quyết rất thành công bước đầu những vấn đề cơ bản nhất của bài toán kiệt mùa khô, bài toán lũ mùa mưa, phân bố dân cư, mở mang giao thông, phát triển sản xuất.
Thủy lợi nội đồng ở ĐBSCL. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ). |
Đó là, đào hệ thống kênh trục từ sông Hậu thông nối ra biển Tây, từ sông Tiền thông nối với hệ thống sông Vàm Cỏ, từ sông Hậu thông nối với sông Tiền, mà không mắc phải một sai lầm nào đáng kể. Trong sự nghiệp thủy lợi vĩ đại ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam và nước ngoài đã hy sinh vô bờ bến mồ hôi, nước mắt, công sức, và xương máu. Đây là một mốc son thành công chói lọi trong sự nghiệp thủy lợi vùng ngập lụt ĐBSCL của người Việt Nam và của bạn bè quốc tế, không những lịch sử thủy lợi Việt Nam ghi nhận mà lịch sử thủy lợi nhân loại cũng tôn vinh”.
Còn từ năm 1975 đến nay, ông Trâm đánh giá, khoa học thủy lợi ĐBSCL đã đúng đắn khi thống nhất không làm đê quốc gia dọc sông Tiền và sông Hậu; mà đào hệ thống kênh trục như Chắc Năng Gù, Mười Châu Phú, T5, T6, Hồng Ngự chuyển tải nước ngọt từ sông Tiền - sông Hậu vào các vùng xa.
Các tỉnh ĐBSCL quyết định đào tiếp hệ thống kênh cấp II, III, IV thông nối với các kênh trục (cấp I), tạo ra một mạng lưới sông kênh rạch dày đặc chia ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay của vùng ngập lụt ĐBSCL thành các ô đồng ruộng rộng từ vài ba trăm đến dăm ba ngàn héc-ta (tùy thuộc vào sự liên kết thế địa hình, thế nước, thế sông, thế kênh, thế đường, thế bờ, thế gờ, thế gò...), tạo ra một thế trận sản xuất nông nghiệp hợp lý và rất cơ động trong thiết kế mùa vụ, bố trí cây trồng vật nuôi… đến tận từng cánh đồng. Thực hiện nhất quán phương châm “thủy lợi kết hợp giao thông và phân bố dân cư góp phần tích cực phòng chống thiên tai lũ lụt và hạn kiệt”.
Vùng ĐBSCL có hai túi nước thiên nhiên từ thuở khai sinh lập địa, đặt ra nhiều thách thức cho công cuộc khai thác phát triển. Việc khai thác và xử lý hai miền đất hoang hóa mênh mông này cần sự dũng cảm của sức người và cả việc áp dụng tiến bộ khoa học, trước hết là khoa học thủy lợi. Hiện nay, những cánh đồng lúa vàng rộn ràng máy gặt đập liên hợp với các khu dân cư sầm uất là minh chứng cho quá trình khai khẩn thành công.
Để đi đến kết quả đó, ông Trâm lược lại nhiều công trình nghiên cứu cơ bản của Ủy ban Quốc tế sông Mekong giai đoạn 1960 - 1970 và về sau, trong đó, nhiều công trình từ năm 1978 đến 2008 mà bản thân ông trực tiếp tham gia.
(Ảnh: Lê Hoàng Vũ). |
Theo ông, kết quả chung nhất là xác định các quy luật cơ bản và đặc thù để rút ra được những đặc điểm khái quát của vùng ngập lụt ĐBSCL. Chẳng hạn, xác định được tổng lượng dòng chảy hằng năm của sông Mekong về ĐBSCL khoảng 500 tỷ m3, mùa lũ chiếm trên 400 tỷ m3 (80%); mùa mưa tập trung 90% lượng mưa cả năm; tạo ra hai thái cực tương phản nhau cao độ: mùa mưa ngập lụt mênh mông, mùa khô lại cạn kiệt làm ruộng đồng nứt nẻ.
“Hồ chứa nước lũ tự nhiên Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không phải là ngon xơi cho dù là xơi theo kiểu tự nhiên trời ban cho như cây lúa nổi, con cá linh, cây sen, bông súng, mà muốn làm nông nghiệp văn minh thì phải làm thủy lợi”, ông nói.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Túi nước thiên nhiên khu Tứ giác Long Xuyên và vùng trũng Đồng Tháp Mười nếu cứ để nước lũ chảy tràn tự nhiên triền miên năm này qua năm nọ, đời này nối tiếp đời khác, thì chắc chắn sẽ đến ngày bị sa mạc hóa, đá ong hóa, vì dòng lũ chảy tràn sẽ bào mòn, hòa tan những vi lượng quý hiếm tạo ra đất tiêu dần ra biển, đến khi đất không còn là đất nữa. Khoảng năm 1930 - 1940, các chủ đồn điền người Pháp đã phát hiện ra dấu hiệu sa mạc hóa trong Tứ giác Long Xuyên; trên thế giới một số lưu vực sông vùng Trung Đông và Châu Phi bị sa mạc hóa do để tiêu nước quá mức triền miên trên bề mặt châu thổ... là những minh chứng điển hình”.
Cùng với thách thức của tăng dân số, cuộc sống đã nghĩ ra những phương thức khai thác tài nguyên ngày càng hiệu quả cao hơn, đáp ứng được yêu cầu mở rộng không gian xây dựng hạ tầng cơ sở, bảo vệ tính mạng, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường sống trong vùng ngập lụt ĐBSCL. Ông Trâm kể, đó chính là việc đắp đê bao phòng lũ đầu mùa của một ấp ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong trận lũ lịch sử năm 1978. Đê bao đắp lên bảo vệ vụ sản xuất hè thu, tính từ mặt ruộng chỉ cao 1,5 - 3m tùy vị trí, vượt đỉnh lũ đầu mùa trong tháng 7 và 8.
(Ảnh: Lê Hoàng Vũ). |
Đến tháng 9, 10 nước lũ băng đồng, nhấn chìm hệ thống đê bao. Từ kinh nghiệm của một ấp, các nhà khoa học vào cuộc tính toán đưa ra những khuyến cáo cụ thể để hệ thống đê bao phòng lũ đầu mùa phát triển nhanh, đến năm 2000 cơ bản phủ kín vùng ngập lụt ĐBSCL. Hệ thống đê bao dựa vào các tuyến đường, bờ sông, bờ kênh có sẵn để khoanh vùng vài trăm hoặc dăm ngàn héc-ta, tuyệt đối không động chạm đến đầu vào và đầu ra của hệ thống sông rạch. Kết quả ở đây, theo ông Trâm: “Nông nghiệp cán đích tích lũy đủ độ đảm bảo làm nền tảng vững chắc cho đất nước chuyển mạnh dần sang thời kỳ phát triển công nghiệp”.
Tuy nhiên, hệ thống đê bao phòng lũ đầu mùa bảo vệ vụ hè thu cũng xuất hiện tồn tại lớn rất khó xử lý: sau mỗi mùa lũ, đê bị bào mòn xuống cấp nặng nề đến mức thiếu đất tu bổ đê. Để giải quyết khó khăn này, hệ thống đê bao phòng lũ đầu mùa được lên thành hệ thống đê khép kín phòng lũ chính vụ bảo vệ sản xuất quanh năm
Khi một vùng rộng lớn ruộng đồng được đê bao khép kín ngăn lũ thì dòng nước lũ trên sông chính cao thêm và phù sa bị cạn kiệt nhưng theo ông Trâm là không quá lớn. Bởi vì, có trên 90% lượng nước chảy trong sông rạch, chỉ khoảng 8% chảy băng đồng. Kết quả tính toán mô phỏng cho thấy, với mật độ sông rạch 0,45 km/km2 phân bố đều, nước lũ khi bị hạn chế chảy băng đồng chỉ có khả năng dâng nước dọc sông chính thêm tối đa 15cm.
Còn phù sa, cũng có tới gần 90% được chuyển tải bởi lòng sông rạch ra biển, chỉ dưới 10% chảy tràn vào đồng ruộng. “So với dòng phù sa lơ lửng sông Hồng, dòng phù sa lơ lửng sông Cửu Long có hàm lượng nhỏ hơn rất nhiều, song bù lại có tổng lượng lớn hơn nhiều (do có tổng lượng dòng chảy lớn); cấp phối hạt mịn hơn, và đặc biệt có thành phần hóa học bổ dưỡng cho đất vượt trội hơn. Do đó khi có hệ thống đê bao khép kín, có thể dể dàng chủ động lấy nước phù sa trực tiếp từ sông kênh qua hệ thống cống và kênh dẫn nội đồng vào các thời gian hợp lý nhất để tưới bồi đắp cho đồng ruộng”, ông Trâm phân tích.
Cụm và tuyến dân cư vượt lũ Nhờ tính toán của các chuyên gia nhiều lĩnh vực mà dự án thủy lợi ở huyện Chợ Mới (An Giang) đã bỏ phương án ban đầu là đắp đê bao khép kín thành 2 khu vực, để nâng cấp hệ thống đê bao đầu mùa, tạo ra khoảng 50 tiểu vùng được đê bao bảo vệ. Dự án “Điều khiển lũ Bắc Vàm Nao” do Chính phủ Australia thiết kế và tài trợ để bảo vệ khoảng 27.000ha đất tự nhiên ở huyện Phú Tân (An Giang), thiết kế hệ thống đê khép kín quanh huyện, bắt đầu thi công năm 1998 nhưng được gần một năm thì chuyên gia thủy lợi của ta tham gia ở hiện trường đã kiến nghị nên làm theo phương án của huyện Chợ Mới. Chuyên gia Australia nghiêm túc lắng nghe và tạm dừng để nghiên cứu, sau đó đã điều chỉnh dự án, xây dựng 27 tiểu vùng đê bao cho diện tích đất canh tác của huyện Phù Tân và năm 2005 dự án hoàn thành, cho hiệu quả tốt. Từ thành công của đê bao, cuộc sống lại sáng tạo việc xây dựng tuyến, cụm dân cư vượt lũ, giải quyết chỗ ở cho hàng chục vạn gia đình thoát cảnh ngập nhà cửa trong mùa mưa lũ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn