Sau khi Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Ninh Bình đã hoạt động hiệu quả.
Nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Ninh Bình đã hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN
Sau khi Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh Ninh Bình đã hoạt động hiệu quả, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Là một trong những hợp tác xã kiểu mới tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Hợp tác xã Đại Thành đã trở thành điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đạt hiệu quả trong hợp tác liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến nay, hợp tác xã được giao quản lý trên 220 ha đất sản xuất nông nghiệp và đã thu hút gần 1.000 hộ xã viên tham gia sản xuất. Ông Trần Văn Thúy, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Đại Thành, cho biết, Ban quản lý hợp tác xã đã khuyến khích xã viên chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng tỷ lệ gieo cấy các giống lúa có năng suất, chất lượng và giá trị cao như: Thiên Ưu 8, Việt Hương, LT2,…
Năm 2016, Hợp tác xã Đại Thành đã vận động bà con thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 35ha. Các xã viên được cán bộ chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.
Nhờ việc sản xuất theo lịch thời vụ tập trung và quy trình khép kín nên đã giảm đáng kể công sức và chi phí cho các hộ xã viên. Năng suất lúa đạt đến 65,5 tạ/ha; đồng thời, hợp tác xã tăng cường đầu tư, mua sắm các loại máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hợp tác xã đã có 12 máy cày mini, 4 máy gặt đập liên hoàn giúp xã viên giảm công sức lao động và chi phí sản xuất.
Hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây xuất khẩu như dưa chuột bao tử, mướp đắng, cà chua nhót theo hướng nông sản an toàn, cho giá trị thu nhập đạt từ 390 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa; cải tạo 16 ha vườn tạp để trồng các loại cây dược liệu làm thuốc như cây bạc chỉ, cây bạch tuật, ngưu đất,… cho thu nhập 330 - 350 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2017, Hợp tác xã đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện thử nghiệm dự án trồng rau củ sạch trong nhà lưới với diện tích 720 m2, thu nhập cao gấp 4,5 lần so với trồng lúa; đồng thời, thành lập 2 tổ trồng cây nông sản xuất khẩu với diện tích 10ha tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tạo thành vùng sản xuất rau an toàn, có thương hiệu trên thị trường.
Để xã viên yên tâm sản xuất, trong dịch vụ bao tiêu sản phẩm, không chỉ liên kết với cán bộ kỹ thuật huyện, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với các công ty để bao tiêu sản phẩm như Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu Ninh Bình, Công ty Giống cây trồng I Hà Nội cung cấp lương thực sạch cho thị trường Hà Nội và các thị trường khác.
Với chất lượng đảm bảo, hiện nay diện tích lúa trồng theo tiêu chuẩn vietGAB được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 2% nên nông dân hết sức phấn khởi. Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông sản sạch, đến nay doanh thu trung bình hàng năm của hợp tác xã đã đạt từ 4 đến 5 tỷ đồng/năm.
Tại xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, Hợp tác xã Liên Dương đã ký kết được hợp đồng, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Ớt Việt Nam đưa vào trồng hơn 11 ha giống ớt cay xuất khẩu số 7, thay thế cho các cây trồng cũ kém hiệu quả. Với giá bán từ 5 nghìn đến 8 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào ớt người trồng đã có thu nhập gần 3 triệu đồng. Hiện nay, mô hình đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng, tiến tới hình thành vùng sản xuất cây trồng hàng hóa quy mô lớn.
Ông Bùi Văn Lương, Giám đốc, Hợp tác xã Liên Dương, cho biết, thành công bước đầu của hợp tác xã sau chuyển đổi được thể hiện rõ trên nhiều mặt, cả về điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ cũng như phương pháp quản lý, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã đều tăng so với những năm trước.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 328 hợp tác xã thu hút trên 268 nghìn thành viên tham gia; trong đó, có 230 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, 30 hợp tác xã chuyên ngành, 29 hợp tác xã phi nông nghiệp và 39 quỹ tín dụng nhân dân. Đến nay, tất cả các hợp tác xã tại địa phương đã chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới. Các hợp tác xã đã củng cố tổ chức, bộ máy, chủ động thay đổi các mô hình sản xuất truyền thống, đưa các cây, con mới, kỹ thuật vào sản xuất giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập và liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Xuân Hùng, Trưởng phòng Tuyên truyền, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình, cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, từ đầu năm 2016 đến nay, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã cấp kinh phí cho 68 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2017 có ít nhất 80% hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản hoạt động có hiệu quả đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới ít nhất 15 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác; tổ chức bồi dưỡng cho ít nhất 500 lượt cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ hợp tác xã; phấn đấu ít nhất 90% số hợp tác xã hoạt động ổn định và có lãi; số hợp tác xã khá, tốt đạt 70% trở lên; xây dựng ít nhất 10 mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh...
Nhằm đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với vị trí, vai trò, tác dụng của hợp tác xã kiểu mới trong cơ chế thị trường, tạo tiền đề cho các loại hình hợp tác xã ra đời và phát triển. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các hợp tác xã thông qua Quỹ quay vòng phát triển từ 80 đến 100 hợp tác xã, tổ hợp tác; đào tạo nguồn nhân lực của các hợp tác xã và tập trung ưu tiên phát triển, xây dựng một số mô hình hợp tác xã chuyên ngành, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện giúp các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.