Nếu không trồng rau sạch thì khó cung cấp vào thị trường lớn. Nghĩ vậy, anh Mai Văn Khẩn (45 tuổi, ở P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã vận động nhiều người thành lập hợp tác xã và liên kết với các hộ nông dân để trồng rau sạch và vươn lên làm giàu.
Anh Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm HTX Tân Tiến, trong vườn rau an toàn của gia đình - Ảnh: G.B |
Anh Mai Văn Khẩn (Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, P.12, TP.Đà Lạt) đến với nghề trồng rau như là duyên số. Cách đây hơn 23 năm, anh từ Thanh Hóa vào Lâm Đồng kiếm sống, rồi quen một cô gái làm nghề trồng rau ở P.12 này (là vợ anh bây giờ), đưa anh đến với nghề trồng rau. Năm 2003, gia đình anh đầu tư nhà kính, trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, dần dần “nói không” với thuốc hóa học, sau đó chính thức sản xuất rau “có địa chỉ, có trách nhiệm” với người tiêu dùng.
Thị trường tiêu thụ mạnh, đòi hỏi sản lượng nhiều, diện tích và sản lượng của anh không cung cấp đủ. Năm 2009, anh Khẩn vận động 12 hộ nông dân khác tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau củ quả an toàn Thái Phiên, với 10 ha đất sản xuất. Anh đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Cây rau cũng như nhiều loại hàng hóa khác, nếu đầu ra ổn định thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, mới mở rộng sản xuất được. Do đó, anh Khẩn tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ với nhiều đối tác để cung cấp rau cho họ.
“Làm ăn ngày càng phát triển, năng lực sẵn có nhưng tính chủ động về vấn đề pháp nhân để giao dịch với khách hàng lớn mình không có. Có khách hàng yêu cầu phải ký hợp đồng nguyên tắc nhưng mình không có pháp nhân thì họ không đồng ý. Hơn nữa nhiều đối tác còn yêu cầu cung cấp số lượng rau hằng ngày, hằng tuần rất lớn với nhiều mặt hàng nhưng tổ hợp tác khó đáp ứng. Thấy vậy năm 2012, mình vận động thành lập HTX Tân Tiến với 15 xã viên và 26 ha đất, sản xuất gần 30 mặt hàng rau, củ, quả các loại để đáp ứng yêu cầu thị trường”, anh Khẩn cho biết. Ngoài ra, HTX Tân Tiến còn liên kết với hơn 80 hộ dân và một số HTX khác trong vùng để tăng diện tích, sản lượng cũng như đa dạng các mặt hàng cung cấp cho khách hàng. Tất cả phải đáp ứng tiêu chí “an toàn, trách nhiệm” lên trên hết, phải sản xuất theo quy trình VietGAP.
Sau khi lên kế hoạch sản xuất cụ thể, tất cả quá trình sản xuất đều phải ghi nhật ký hằng ngày. Từ việc trồng giống gì, trồng ngày nào cho đến bón phân gì, tưới nước ra sao... tất cả phải ghi lại để theo dõi. “Sản phẩm của HTX đều có địa chỉ hẳn hoi, nếu chất lượng có vấn đề gì thì người tiêu dùng dễ dàng truy nguồn gốc xuất xứ, mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm do mình cung cấp. Hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 12.000 tấn rau, củ, quả sạch các loại, mang về thu nhập hơn 14 tỉ đồng. Tùy các hộ xã viên góp đất và sản lượng mà có thu nhập khác nhau, ít nhất cũng từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng/năm, riêng gia đình mình với hơn 4 ha đất cũng được khoảng 2,5 tỉ đồng/năm”, anh Khẩn chia sẻ.
Theo tiết lộ của anh Khẩn, HTX Tân Tiến đang liên kết với một số đối tác của Nhật Bản, Ý, Hà Lan để khảo nghiệm tìm thêm nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. “HTX sẽ tập trung vào công nghệ cao hơn nữa, đồng thời hướng vào sản xuất các dòng rau cao cấp trên giá thể và theo phương pháp thủy canh để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích”, anh Khẩn nói.
Theo Thanhnien