Ngày 12-5, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị triển khai liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo vụ Hè thu 2014.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2013 - 2014 có 11/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL triển khai liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo với diện tích khoảng 134.000 ha (2 tỉnh chưa tham gia là Cà Mau và Bến Tre). Nhờ có liên kết, nông dân đã thay đổi từ cách sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, năng suất và lợi nhuận đều tăng. Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình liên kết còn nhiều khó khăn, như: DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nông dân sản xuất nhỏ chưa quen liên kết, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết sản xuất - tiêu thụ.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 23 DN ký hợp đồng liên kết với nông dân tiêu thụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 trên diện tích hơn 16.709 ha. Thế nhưng, việc thực hiện hợp đồng xảy ra những trục trặc khi giá lúa giảm, thị trường XK gạo gặp khó, DN chưa tìm được đối tác bán gạo nên hạn chế mua vào. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều diện tích lúa tới kỳ thu hoạch nhưng DN không thu mua kịp thời, làm nông dân bức xúc.
Ông Nguyễn Hùng Linh – Chủ tịch VFA cho biết, đến nay đã có 16 DN thành viên Hiệp hội đăng ký tham gia vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo tập trung tại khu vực ĐBSCL, trong đó chiếm đa số là nguyên liệu gạo thơm XK. Chủ trương của VFA là thúc đẩy tất cả DN thành viên liên kết để tiêu thụ hết lúa nguyên liệu và bảo đảm giá lúa có lời cho nông dân.
Theo VFA hiện nay đa số DN XK gạo gặp khó khăn về nguồn vốn và thiếu cơ chế liên kết, việc DN hay nông dân phá vỡ hợp đồng liên kết đã xảy ra nhưng không có biện pháp xử lý. Do đó, VFA đang kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh thành lập Quỹ Hỗ trợ liên kết sản xuất và XK gạo, cho phép vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) để tiêu thụ lúa gạo. Đồng thời, VFA cũng kiến nghị một số bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố cần quy định rõ về trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng liên kết.
Đại diện Công ty CP Gentraco cho biết, DN hiện bao tiêu khoảng 3.000 ha lúa cho nông dân nhưng khó mở rộng thêm do hạn chế về năng lực sấy, xay xát. Theo DN này, đầu tư một lò sấy phải mất 5 – 7 tỷ đồng nhưng vay vốn từ ngân hàng thương mại thì lãi suất cao, vay ưu đãi của Nhà nước thì phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra rất mất thời gian và công sức.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty lương thực Trung An kiến nghị, VFA nên tập trung hỗ trợ 5 – 6 DN thành viên có năng lực, bao tiêu trung bình 10.000 – 20.000 ha/DN thì sẽ giải quyết được bài toán liên kết, sản xuất tiêu thụ lúa, gạo. Ông Bình đề xuất khi phân bổ chỉ tiêu XK gạo hàng năm nên ưu tiên cho những DN làm tốt mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo, những DN ít tham gia hoặc không chịu bao tiêu thì không giao chỉ tiêu XK. Phải có những biện pháp chế tài như vậy mới kích thích được DN mạnh dạn đầu tư liên kết tiêu thụ lúa gạo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng ngay trong vụ Hè thu 2014, các DN cần triển khai thực hiện đăng ký với VFA về việc bao tiêu lúa gạo. Giao VFA chọn DN có năng lực thực hiện. DN nào chưa tham gia mà muốn làm thì Hiệp hội cần bổ sung vào sau khi kiểm tra năng lực. Việc liên kết phải đúng quy trình, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Theo baohaiquan.vn