Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vẫn tồn tại hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến không đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... vẫn tồn tại dai dẳng.
32% cơ sở yếu kém
Đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá, công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh nông lâm thủy sản thời gian qua mới chỉ dừng ở mức kiềm chế, chưa tạo được sự chuyển biến. Nguy cơ mất ATTP còn rất cao khi tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, vi phạm quy định về ATTP hay sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… vẫn chưa có cách xử lý triệt để.
Thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy, cả nước hiện có xấp xỉ 4.000 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, số cơ sở không đạt yêu cầu (xếp loại C) hiện chiếm tới 32% (1.260 cơ sở). Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu không xử lý triệt để các cơ sở xếp loại C thì sẽ không thể đảm bảo ATVSTP và dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, Bộ NN&PTNT đã có thông tư quy định, với các có sở đã bị xếp loại C, nếu tái kiểm tra vẫn không đạt thì phải kiên quyết đóng cửa. “Thế nhưng, việc đóng cửa các cơ sở vi phạm này không đơn giản khi chính quyền cở sở không chịu vào cuộc”, lãnh đạo Cục Thú y nhận định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng rất lo ngại về công tác quản lý, kiểm soát giết mổ trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Bắc hiện nay. Theo Bộ trưởng, các lò mổ không đảm bảo vệ sinh chính là nguyên nhân gây mất ATTP. “Qua kiểm tra cho thấy, tại Thái Bình có hàng nghìn lò giết mổ thủ công nhưng mới chỉ kiểm soát được vài cơ sở”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin.
Người tiêu dùng đang bị bủa vây bởi thực phẩm không an toàn (Ảnh minh họa)
Chăn nuôi không an toàn
Với tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn tồn tại dai dẳng. Gần đây nhất, ngày 22-7, qua kiểm tra một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 4 trang trại chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm.
Lực lượng chức năng đã xử phạt 15 triệu đồng/trang trại, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số lợn (300-400 con) để làm xét nghiệm, chỉ khi nào kết quả xét nghiệm âm tính với chất cấm thì các hộ này mới được xuất bán. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mặc dù pháp luật đã cấm người sản xuất thức ăn, người chăn nuôi sử dụng các loại chất cấm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng thú y các địa phương cần đẩy mạnh lấy mẫu kiểm tra, nếu phát hiện, ngoài việc xử phạt hành chính nên cấm xuất bán lợn ra thị trường như tỉnh Đồng Nai vừa xử lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng hết sức nhức nhối. Hiện Việt Nam đang cho phép sử dụng 28 loại kháng sinh trong chăn nuôi. Trong quá trình sử dụng, người chăn nuôi đã cố tình phớt lờ chỉ dẫn, sử dụng liều cao, không đảm bảo đủ thời gian cách ly để vật nuôi bài tiết hết lượng thuốc trong cơ thể mới xuất bán thịt thương phẩm.
Việc loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi cần có lộ trình. Ngay cả với quốc gia phát triển như Mỹ, cũng phải đến năm 2018 mới loại bỏ hoàn toàn chất kháng sinh trong chăn nuôi. “Hiện có 11 nước trên thế giới không dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Việt Nam không thể nhanh hơn các nước phát triển vì điều kiện chăn nuôi của chúng ta chưa đạt yêu cầu, nếu bỏ ngay bây giờ thì dịch bệnh sẽ xảy ra rất nhiều”, ông Nguyễn Xuân Dương bày tỏ. Tuy vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt vấn đề: “Nếu chưa thể cấm sử dụng tất cả các loại kháng sinh thì cần cấm dần từng nhóm, nhất là nhóm kháng sinh cho người đang được sử dụng trong chăn nuôi”.
Ngoài ra, ông Cao Đức Phát cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần hoàn thiện các văn bản pháp quy để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATVSTP và vật tư nông nghiệp.
Theo anninhthudo.vn