Nhiều năm qua, cứ sau Tết cổ truyền, hàng ngàn hộ dân ở các bản, làng miền núi Quảng Ngãi lại "í ới" vào rừng thu hoạch đót. Cứ khoảng 7-8h sáng, người dân rủ nhau đi vào rừng, đến khoảng 14-16h lại trở về nhà.
Đót được ví là "cây lộc" đầu năm của người dân miền núi.
Người được ít cũng thu được từ 20-30kg đót tươi/ngày, gặp nơi mọc nhiều thì số đót chặt, bẻ lên đến 40-60kg/ngày/người. Với giá mua từ 3.000-5.000 đồng/kg đót tươi, ước số tiền từ thu hoạch loại cây này mang lại cho người dân miền núi Quảng Ngãi mỗi năm tính bằng con số hàng tỷ đồng.
Không chỉ người lớn, nhiều học sinh tiểu học, THCS và THPT ở các trường miền núi cũng tranh thủ thời gian nghỉ vào rừng chặt, bẻ đót để kiếm tiền mua sách vở và dụng cụ để học tập.
Cũng như nhiều loại cây rừng mọc tự nhiên khác, đót mọc tự nhiên nếu không chặt hái sẽ tự rụi, đến năm sau lại ra nên việc thu hoạch không ảnh hưởng gì đến việc bị tận diệt. Vụ thu hoạch đót ở miền núi Quảng Ngãi thường bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch) năm trước và kéo dài đến khoảng tháng 3 năm sau. Từ chặt, bẻ đót, nhiều gia đình ở nhiều huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà... đã có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ/hộ.
Đót của người dân thu hoạch được mang ra tập kết ven đường.
Nhiều học sinh tiểu học cũng tranh thủ ngày nghỉ vào rừng tìm đót để kiếm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập.
Đót tươi được thu mua, sau đó đem phơi khô trước khi bán cho các cơ sở chế biến.
Tác giả bài viết: Công Xuân
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn