12:17 EST Thứ sáu, 10/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

"Lộc trời" dành riêng cho vùng nước lợ ở cửa biển Hải Phòng

Thứ bảy - 03/12/2016 10:46
Bây giờ đang vào giữa vụ rươi – “lộc trời” dành riêng cho vùng nước lợ. Năm nay trời rét muộn nên mùa rươi cũng muộn hơn mọi năm. Trên những vùng bãi triều bát ngát ven sông ở vùng cửa biển Hải Phòng...

Trên những vùng bãi triều bát ngát ven sông ở vùng cửa biển Hải Phòng, năm nay các đầm nuôi rươi lại được mùa. 

Bội thu

Rươi chỉ nổi ở vùng nước lợ gần cửa sông nơi có nước thủy triều lên xuống. Hải Phòng có nhiều vùng rươi lớn với tổng sản lượng khai thác mỗi năm có thể lên đến hàng trăm tấn. Hầu hết các xã có vùng nước lợ ven các sông Văn Úc, Thái Bình, sông Luộc, sông Hóa thuộc các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo đều có rươi.

Khoảng những năm 90 trở về trước, cứ đến khi vào mùa, những ngày con nước triều lên, rươi lại nổi ngùn ngụt trên đồng, kênh mương, những nơi có nước lợ. Nhưng hồi đó, ít người mua rươi, giá bán rất rẻ, 1kg rươi chẳng mua được 1kg thóc. Khoảng chục năm gần đây, rươi bỗng “nhảy” lên hàng đặc sản, giá vọt lên cao chót vót. Vài năm nay, giá rươi dao động từ 300 - 700 nghìn đồng/kg, nghĩa là khi giá rươi rẻ nhất, 1kg rươi cũng đổi được nửa tạ thóc. Vậy là, nhiều người xoay sang nuôi rươi. Họ đón giống rươi trong tự nhiên, áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi, rồi… chờ thu hoạch.

 'loc troi' danh rieng cho vung nuoc lo o cua bien hai phong hinh anh 1

Thu hoạch rươi tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng 

Thông thường, vụ rươi kéo từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, tập trung vào con nước triều cuối tháng 9, đầu tháng 10. Dân gian có câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là thế. Năm nay, trên các bãi rươi, hai con nước vừa qua mới chỉ có loáng thoáng ít rươi, mặc dù từ cuối tháng 8 âm lịch đã thấy rươi nổi. Nhiều năm rồi rươi mới về sớm như vậy – dấu hiệu của một năm được mùa rươi.

Quả thật, đến con nước cuối tháng 10 âm lịch, rươi bắt đầu nổi nhiều. Vụ này được mùa, rươi nhiều hơn hẳn năm ngoái. Các đầm nuôi đồng loạt thu rươi nên giá tụt nhanh chóng. Đầu vụ, rươi ít nên giá “ngất ngưởng” ở mức 500 - 600 nghìn đồng/kg, nay giá chỉ còn khoảng một nửa.

Anh Nguyễn Văn Long ở thôn Minh Đông, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo có 3 mẫu đầm (hơn 1ha) nuôi rươi. Con nước cuối tháng 10 vừa rồi, trong 3 ngày, anh thu 2 tạ rươi. Mặc dù giá bán thấp hơn nhiều năm vì rươi được mùa, nhưng anh vẫn thu về trên 60 triệu đồng.

Anh Long giảng giải, mùa rươi dài 3 - 4 tháng, mỗi tháng có 2 con nước thủy triều, khi đó sẽ có rươi nổi. Trong đó, thường thì 1 con nước có nhiều rươi lên, 1 con nước ít. Trung bình cả vụ, sản lượng rươi dao động từ 3 - 8 tạ/ha. Ở những vùng nhiều rươi trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo như xã Giang Biên, Hòa Bình, Trấn Dương, Vĩnh An, Cao Minh, Cộng Hiền…, sản lượng có thể đạt tới 30kg/sào. Những nơi có ít rươi hơn thì thu 10 - 15kg/sào.

Theo anh Long thì đầm nhà anh “ở cuối nước rươi” (tức là đã ở xa cửa sông, cuối nguồn nước lợ có rươi) nên sản lượng chỉ ở mức trung bình. Năm ngoái, cả vụ anh thu về 4 tạ rươi, bán bình quân 380 - 390 nghìn đồng/kg, thu về trên 150 triệu đồng.

Lý giải việc rươi đầu vụ năm nay ít hơn mọi năm là do thời tiết, anh Nguyễn Thanh Tâm ở thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng cho biết, rươi chỉ ngoi lên đi sinh sản khi trời se lạnh, có gió đông. Theo kinh nghiệm dân gian, khi trời âm u, con nước có màu trắng khác thường là rươi sắp lên. Vì thế, đến cuối tháng 9 âm lịch, các chủ đầm rươi phải thường xuyên canh nước ngoài đê.

Vụ này, đầm rươi của gia đình anh Tâm đã cho thu hoạch hơn 1 tấn. Từ nay đến cuối vụ dự kiến sẽ thu được vài tạ nữa. Ngoài bán buôn cho thương lái, gia đình anh còn có rất nhiều khách hàng lẻ mua rươi ăn dần đến Tết hoặc làm quà biếu. Rươi được đóng thùng đông lạnh gửi đi khắp nơi, từ Hà Nội đến các tỉnh, thành miền Nam, ra nước ngoài...

Theo nhiều chủ bãi nuôi, rươi ở các đầm lớn của Hải Phòng chủ yếu được bán cho thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, số bán lẻ ra ngoài rất ít. Rươi Hải Phòng to, đỏ, “bụ” sữa, được thị trường rất ưa chuộng nên đến nay không đủ bán. Rươi bán lẻ tại các chợ, hầu hết là rươi nhỏ do tiểu thương thu mua từ các địa phương lân cận hoặc từ những người vớt rươi trong tự nhiên. 

Mong chủ động được nguồn giống

Theo các chủ bãi nuôi, việc cải tạo đầm có vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định sản lượng rươi bởi nó tạo độ tơi xốp cho đất, mà đất càng tơi xốp, rươi càng phát triển tốt. Tiến hành cải tạo trước vụ sinh sản của rươi (tháng 3 và tháng 9 âm lịch), tháo cạn đầm, bắt diệt hết địch hại của rươi như tôm, cua, cáy…, rồi cày lật đất, bón phân chuồng ủ hoai mục, bừa nhiều lần cho đầm phẳng, nhuyễn.

 'loc troi' danh rieng cho vung nuoc lo o cua bien hai phong hinh anh 2

Rươi trong túi lưới được treo lên cho ráo nước 

Trong các tháng 4,5,8,9 âm lịch, mở cửa cống lấy nước vào đầm để lấy giống trong tự nhiên, ấu trùng rươi sẽ theo nước vào đầm. Mỗi con nước thủy triều lại lấy nước vào đầm để bổ sung nguồn thức ăn trong tự nhiên cho rươi. Rươi được 6 tháng là có thể thu hoạch. Để con rươi không bị vỡ dập lúc thu hoạch, cần lựa con nước thủy triều, lúc nước dâng cao mới tháo nước từ từ vào đầm. Rươi trưởng thành bị kích thích bởi dòng nước thủy triều sẽ ngoi lên mặt nước, bơi ra cống để tìm nơi sinh sản. Khi đó, dùng lưới mắt nhỏ đặt vào cửa cống, tháo nước để rươi chui vào lưới. Đổ rươi vào túi lưới, treo lên cho ráo nước, nếu vận chuyển đi xa chi chứa rươi trong thùng xốp.

Con rươi đã giúp nhiều hộ gia đình ở Hải Phòng giàu lên nhanh chóng. Vì thế, nghề nuôi rươi ở đây đang nở rộ, đặc biệt là trong 2 năm nay. Ven các con sông trong vùng nước lợ, nhiều trang trại gà, lợn, đầm cá; những vườn chuối, vải, nhãn…; những bãi cát tập kết vật liệu xây dựng… đang nhộn nhịp chuyển sang nuôi rươi quảng canh vì rươi đầu tư ít, đến vụ thu tiền tỷ “như chơi”.

Việc nuôi rươi hiện nay thiếu bền vững do mang tính tự phát và hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, nhất là nguồn giống. Các chủ đầm nuôi đều mong có nguồn giống cho nuôi rươi thương phẩm, từ đó có thể chủ động sản xuất, tăng năng suất, giảm giá thành rươi để đặc sản vùng nước lợ này đến được nhiều người tiêu dùng hơn.

Theo Hân Minh (Nông nghiệp Việt Nam)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 120


Hôm nayHôm nay : 53124

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 373324

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73420295