“So với nghề nuôi bò sữa thì nuôi bò thịt nhẹ nhàng hơn về công chăm sóc, giá thành còn được ổn định, giúp hộ nuôi có lợi nhuận cao hơn bò sữa” - đó là lời chia sẻ của anh Võ Kim Khuê, sinh năm 1977, ngụ tại Ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM, về thực trạng của nhiều nông dân nuôi bò sữa trong thời gian qua. Hiện, anh Khuê là một trong những hộ đã mạnh dạn tăng đàn nuôi bò thịt và đang từng bước có được những hiệu quả bước đầu trong nghề này.
Theo anh kể, trước đây gia đình anh chủ yếu nuôi bò sữa, với tổng đàn từ 45 – 50 con và được Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân địa phương hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi. Những năm gần đây, nghề nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn, sau khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, anh biết thịt bò là một trong những thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó có TP.HCM. Vì vậy anh Khuê đã tận dụng kinh nghiệm có sẵn, tận dụng chuồng trại, cũng như các thiết bị cơ giới hóa như hệ thống phun sương, quạt gió của chuồng bò sữa ở nhà để chuyển qua chăn nuôi bò thịt.
Hình thức nuôi là anh sẽ thu mua bò thịt lai giống ngoại từ những hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện, có lý lịch rõ ràng về, rồi tiếp tục nuôi dưỡng đến khi đạt chất lượng và yêu cầu thì xuất chuồng. Bò thịt khi anh mua về có độ tuổi từ 10 – 12 tháng, trung bình khoảng 200 kg/con và có giá thành khoảng 20 triệu đồng/con. Sau thời gian nuôi với phương thức nhốt hoàn toàn, cộng với khẩu phần ăn hợp lý gồm cỏ tươi, rơm khô, bã mỳ, cám,… khoảng 01 năm sau, anh cho xuất chuồng, lúc này bò có trọng lượng từ 600 – 650 kg/con. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 9 - 9,5 triệu đồng/con, như vậy tính từ năm 2018 đến nay, anh đã cho xuất chuồng 29 con và anh vừa gây lại đàn mới, hiện trong chuồng nhà anh có 18 con.
Chia sẻ về ưu điểm của mô hình nuôi bò thịt, anh Khuê cho biết: So với nuôi bò sữa thì nuôi bò thịt ít công chăm sóc hơn, bò mau lớn hơn và đặc biệt ít bệnh, giúp người nuôi dễ dàng duy trì và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, để nuôi bò thịt đạt yêu cầu chất lượng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và nhất là phải gây được tổng đàn bò tương đối lớn để có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời, khi nuôi cũng cần phải chú ý đến khẩu phần thức ăn hợp lý và quy trình chăm sóc phù hợp.
Nhờ mạnh dạn trong việc chuyển đổi nghề nuôi, cũng như kinh nghiệm của mình đã giúp anh Võ Kim Khuê có được hiệu quả trong nghề nuôi bò thịt. Mô hình của anh được xem là mô hình điểm để nhiều hộ nuôi bò ở TP.HCM nói chung và Củ Chi nói riêng tham quan học tập và nhân rộng. Vừa qua, mô hình của anh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố chọn làm điểm giới thiệu với Đoàn công tác của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đến tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt.
Để tiếp tục phát triển mô hình ngày càng có kỹ thuật chuyên sâu hơn, anh Khuê cho biết, trong năm 2019 này, anh là một trong những hộ được chọn tham gia “Mô hình thử nghiệm Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại giai đoạn 7 đến 18 tháng tuổi” do Khuyến nông Thành phố tổ chức. Qua mô hình này, anh sẽ học tập được kỹ thuật cũng như cách chăm sóc bò do Khuyến nông hướng dẫn và sẽ được hỗ trợ 100% thức ăn tinh, giúp mô hình ngày càng đạt hiệu quả hơn. Hy vọng với bước khởi đầu này sẽ là “bàn đạp vững chắc” để anh Khuê phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt lai hướng ngoại, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần phát triển nghề chăn nuôi bò thịt tại Củ Chi nói riêng và TP.HCM nói chung.
M.Hiếu
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM/ Khuyennong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn