Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội
Quá nhiều khâu trung gian
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, do cung vượt quá cầu và phía Trung Quốc siết chặt việc nhập lợn đường tiểu ngạch khiến giá thịt lợn hơi chỉ còn khoảng trên dưới 30.000/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao và không có chiều hướng giảm.
Theo khảo sát ở nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động khoảng 90.000- 100.000/kg tùy loại. Còn trong các siêu thị như BigC, giá thịt lợn cũng dao động từ mức 90.000 – 130.000 tùy loại: Thịt ba chỉ niêm yết 131.000/kg, thịt xay 96.000/kg; siêu thị Vinmart, giá thịt lợn xay niêm yết giá 120.990 đồng/kg, nạc vai giá 113.500 đồng/kg, sườn có giá 132.500 đồng/kg, thịt thăn giá 125.900 đồng/kg...
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thịt lợn tại siêu thị không giảm theo giá lợn hơi trong khi giá lợn hơi giảm khoảng 30% là do hệ thống phân phối có vấn đề. Nguyên do hiện nay, thịt bán ở các siêu thị, các chợ vẫn phải qua 3 - 4 đầu mối phân phối mới đến tay người tiêu dùng.
“Một con lợn phải qua nhiều khâu trung gian, chịu 51 thứ phí thì giá phân phối cao là không tránh khỏi. Hơn nữa, khâu bán lẻ hiện nay ăn chiết khấu nhiều quá, ăn tới 20-30%. Nào là phí bôi trơn, phí tạo mã…đẩy giá thịt lợn lên hơn 100.000 đồng/kg. Điều này cần phải bớt đi”, ông Phú nói.
Theo chuyên gia này, tình trạng này không chỉ diễn ra trong vài năm nay mà hàng chục năm rồi nhưng không giải quyết được. Thành ra người tiêu dùng vừa phải ăn đồ bẩn, vừa phải chịu giá đắt. Do đó, cần phải hình thành chuỗi đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Hà Nội chỉ có 8 chuỗi thịt lợn, 12 chuỗi rau sạch thì không ăn thua.
Cụ thể, ông Phú cho biết nhà tổ chức kỹ thuật thương mại cần phải đứng ra và cần phải có một nhạc trưởng thương mại điều hành vấn đề này. Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương phải có trách nhiệm gắn trang trại với siêu thị chứ không thì thương lái và các nhà bán buôn họ sẽ ép giá.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng một số nơi đã xây dựng được chuỗi đi từ sản xuất đến siêu thị nhưng họ vẫn không giảm giá mà cứ nhìn giá thị trường để bán, bởi vì nếu giảm giá thì sẽ bị giảm lợi nhuận. “Đây không phải là vấn đề của riêng thịt lợn, mà là tình trạng chung của nhiều mặt hàng. Một quả trứng, một quả chanh cũng đang như vậy. Ở Vĩnh Phúc, một quả trứng tăng giá gấp đôi dù chỉ cách nhau vài chục cây số”, ông Phú nói. Ông khẳng định: Đây là thất bại tạm thời của hệ thống phân phối, cần phải khắc phục.
Ông Phú cũng thẳng thắn đặt vấn đề các tổng công ty thương mại khoe có hàng trăm mạng lưới, hàng trăm tỉ đồng vốn thì sao không đi thu mua cho bà con. Hiện nay nhân viên nhập hàng của các siêu thị đang “đút chân gầm bàn, ngồi máy lạnh” đợi các nhà phân phối mang thịt tới chứ không chủ động đi thu mua.
“Cách làm của chúng ta rất quan liêu, hành chính. Như vậy thì người sản xuất sẽ chết, còn người tiêu dùng thiệt thòi. Hiện nay nhiều trang trại nuôi nhiều lợn như ở Đồng Nai, Hà Nam đang chết dở và tình trạng bỏ trang trại rất nhiều”, ông Phú nhấn mạnh.
Kết luận, ông Phú cho rằng bây giờ phải tổ chức lại đường đi của sản phẩm để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa có giá cả phải chăng. Ở các nước, giá trong siêu thị rẻ hơn chợ nhưng ở nước ta thì ngược lại.
Giải pháp nào cứu ngành chăn nuôi
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNN phối hợp cùng Bộ Tài chính và các địa phương nhằm tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ phù hợp để giảm thiểu chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi.
Cùng với đó, Bộ NN-PTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh TACN và thuốc thú y. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có năng lực lưu trữ, chế biến và tiêu thụ lớn tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong thời gian tới.
Ông Trọng cũng cho biết sẽ xem xét tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và nội tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ thực phẩm bẩn.
Về lâu dài, ông Trọng cho biết sẽ triển khai các giải pháp tổng thể, trong đó có biện pháp ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Cùng với đó, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến TACN, giảm quy mô đàn lợn, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn lợn giống và TACN phù hợp với từng phân khúc thị trường; gia tăng chăn nuôi hữu cơ.
“Nếu không điều tiết được tốc độ tăng đàn sẽ dẫn đến dư thừa, trong khi thị trường trong nước đã đến ngưỡng mà thị trường xuất khẩu chưa có bao nhiêu. Khi đó, không xuất chuồng được thì người nuôi lại mất thêm chi phí nuôi, nếu xuất chuồng ngay, giá sẽ thấp, người nuôi kiểu gì cũng thua thiệt”, ông Trọng nói.
Ngoài ra, ông Trọng cũng đề nghị tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi.
Hoài Phong
http://motthegioi.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn