Từ đồng ruộng tới bàn ăn
Trong khi nhiều người phải đau đầu với vấn đề thực phẩm bẩn thì trên bàn ăn của gia đình chị Trần Thị Xuân Diễm lúc nào cũng có sẵn các món rau xanh ngon lành và an toàn. Những sản phẩm này đến từ dự án “Uber” nông nghiệp của tổ chức xã hội Công dân chuyên nghiệp.
Chị Diễm vui vẻ chia sẻ: “Mình rất hài lòng, rất ưng ý với rau ở đây. Rau rất ngọt, khác hẳn so với khi mua ở chợ. Đặc biệt rau thơm có mùi thơm nồng rất ấn tượng.”.
Đó cũng là cảm nhận chung của các khách hàng khác trong cộng đồng hơn 1.200 người tiêu dùng mà anh Nguyễn Hoàng Hải, Điều hành dự án và các cộng sự trong dự án “Uber” nông nghiệp đã xây dựng được.
Quế Anh, thành viên dự án bên cạnh những bó rau sạch đã sẵn sàng đến với người dùng
Dự án được thực hiện từ cuối năm 2016 với ý tưởng hoạt động như một mô hình Uber/Grab trong nông nghiệp hữu cơ. Thứ 2 và thứ 6 mỗi tuần, nhóm nhận rau trực tiếp từ những bà con nông dân đang canh tác hữu cơ và dùng công nghệ thông tin, truyền thông mạng xã hội để đưa những sản phẩm đó đến với người có nhu cầu.
Thông tin các loại nông sản được cập nhật trên trang web của dự án
Trên trang web và Facebook của nhóm luôn cập nhật chính xác chủng loại và số lượng hàng chục loại rau củ khác nhau như rau muống, bắp cải, mướp, rau thơm... Khách hàng chỉ cần chọn và đặt hàng trên đó và chờ sản phẩm được giao đến tận nơi. Tuy nhiên, chị Diễm cho biết, vẫn có những khách hàng “chủ động đến lấy cho gia đình và bạn bè mình vì muốn các bạn vận chuyển đỡ vất vả.”
Nhờ cách làm như vậy, dự án đưa được sản phẩm sạch tới người tiêu dùng với mức giá rẻ nhất, đồng thời tạo được nguồn đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm làm nông nghiệp sạch. Đến nay dự án đã có cộng đồng 1.200 cá nhân và gia đình, 6 đơn vị kinh doanh, 3 doanh nghiệp và 1 nhà thờ đang đồng hành và làm đầu ra cho sản phẩm.
Đẩy lùi thực phẩm bẩn
Khi bắt đầu triển khai dự án, các thành viên nhóm đã đến gặp bà con nông dân ở nhiều vùng miền ở phía Nam như Lâm Đồng, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Phước… Tại đây, những gì bà con tâm sự khiến họ phải trăn trở suy nghĩ.
“Nhiều bà con chia sẻ với mình rằng, ngày nào đi làm đồng về họ cũng bị nhức đầu, sức khỏe của bà con ở đây rất kém, nhiều người bị bệnh, đặc biệt là bệnh hô hấp”, anh Hải cho biết. "Chỉ cần có doanh thu 1 triệu đồng/1 tuần, người nông dân sẵn sàng chuyển sang canh tác hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cho cả mình và người dùng".
Nhưng để ký được hợp đồng cung cấp cho siêu thị đòi hỏi yêu cầu rất cao về sản lượng và chủng loại rau nên hầu hết bà con không thể làm được. Sản phẩm sạch làm ra cũng không cạnh tranh được sản phẩm không an toàn. Bởi vậy, sau một thời gian những người nông dân lương thiện bị đuối sức và từ bỏ.
Do đó, “Uber” nông nghiệp ra đời với mong muốn kết nối các nguồn lực để dấy lên phong trào sử dụng thực phẩm sạch, giúp bà con nông dân sống được với việc sản xuất thực phẩm an toàn.
Các thành viên dự án khảo sát từng hộ nông dân để đảm bảo các hộ trồng sạch và an toàn. Đồng thời, dự án cũng kết nối họ với những chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật. Quan trọng nhất là qua dự án, bà con có nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm với mức giá phù hợp.
Người nông dân chia sẻ chỉ cần đảm bảo được doanh thu, họ sẵn sàng chuyển sang canh tác hữu cơ
Thu nhập nhờ bán rau hữu cơ hàng tuần của nông dân từ 200.000 đã tăng lên được 600.000 đồng và dần hướng tới con số 1 triệu đồng/tuần. Sức khỏe của bà con cũng được cải thiện khi không còn phải phun xịt hóa chất.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, anh Nguyễn Hoàng Hải và các cộng sự đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ tạo được cộng đồng 5.000 hộ gia đình với 30 đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp.
Không chỉ đem những bó rau an toàn tới bàn ăn của các gia đình như chị Diễm, dự án đang mang đến những thay đổi có ý nghĩa lớn hơn cho cộng đồng.
“Nếu mọi người đều mua và nỗ lực ủng hộ nông dân lương thiện thì số nông dân muốn lương thiện càng ngày càng đông hơn vì họ được xã hội ủng hộ. Hành vi nào được ủng hộ thì nó sẽ được lặp lại, càng ngày càng đông nông dân lương thiện thì nhóm còn lại sẽ ngày càng ít đi”, anh Hải chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn