07:38 EST Thứ bảy, 30/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Ly kỳ những trận chó rượt đuổi, săn chuột trên cánh đồng miền Tây

Thứ tư - 21/02/2018 04:01
Trong quán cà-phê nhỏ ven Tỉnh lộ 943 (xã Định Thành, Thoại Sơn), những lão nông chân đất hàn huyên hết chuyện nọ đến chuyện kia như quên cả đất trời giữa tiết trời se lạnh. Góc quán nơi vùng quê phút chốc trở nên náo nhiệt hơn qua từng tiếng cười, câu nói. Còn chúng tôi, những người ở phố thị lại chú ý đến chuyện chó đuổi bắt chuột đồng mà người nông dân đề cập. Hẳn có người cũng tò mò muốn biết chó sẽ bắt chuột thế nào?

Ly kỳ những trận rượt đuổi trên đồng!

Với chúng tôi, chó ra đồng bắt chuột là “chuyện lạ” nhưng với bà con ở thôn quê thì đó là việc hàng ngày, hiển nhiên phải thế. Dù không phải tập tục nhưng đã trở thành thói quen không thể bỏ mỗi khi họ vác cái cuốc, cái cày ra đồng. Ngày thường thì chỉ lai rai, người đi thăm đồng sẵn dắt chó theo. Nhưng khi đã vào mùa gặt, cánh đồng nào cũng có gần chục chú chó săn chuột.

“Vui như ngày hội” - đó là ví von của bà con làm nông với việc dẫn chó đi bắt chuột trên đồng ruộng. Vâng, còn gì vui và nhộn nhịp hơn niềm vui ngày mùa, sau bao ngày vất vả, người nông dân được đền bù xứng đáng bằng hạt lúa trĩu nặng.

Cả không gian ngày mùa ngào ngạt hương lúa mới với những cảnh rượt đuổi “không khoan nhượng” giữa chó và chuột lần lượt hiện lên thật tươi tắn theo lời kể của những người chuyên việc đồng áng. Theo kinh nghiệm của bà con, chó bắt chuột phải là chó vườn, không cần to lớn, nhưng phải nhanh nhẹn. Đặc biệt, những chú chó được giao trọng trách săn chuột phải có chiếc mỏ hơi nhỏ để việc đánh hơi con mồi dễ dàng hơn.

 ly ky nhung tran cho ruot duoi, san chuot tren canh dong mien tay hinh anh 1

“Không biết việc dẫn chó bắt chuột có từ khi nào, chỉ biết rằng từ nhỏ, tôi đã lon ton chạy theo ba, mẹ đi bắt chuột với mấy con chó. Ngày đó, mỗi khi đi đồng, chỉ cần thấy người này dẫn chó dọc bờ đê là những người khác cũng lật đật dẫn chó chạy theo.

Với mấy chú chó, việc được ra đồng bắt chuột còn vui hơn được chủ đặt sẵn dĩa thức ăn trước mặt. Hễ thấy được hang chuột nào “khả nghi”, chúng sẽ sủa rất inh ỏi, vừa sủa vừa dùng mỏ, 4 chân đào liên tục vào cái hang chuột trên đồng. Dù hang chuột sâu cỡ nào, một khi đã “đánh hơi” được mùi “kẻ địch”, “những kẻ săn mồi” càng đào quyết liệt. Nếu để ý, ta sẽ thấy chiếc đuôi mấy con chó lúc ấy nguẫy liên tục. Đợi có vậy, chúng tôi bắt đầu tập trung nhìn về phía hang, không quá 2 phút là sẽ có chuột chạy ra. Có khi là 1 con nhưng đôi khi có đến cả đàn chuột cùng “đào thoát”. Thế là, mạnh ai nấy nhảy nhào để bắt chuột, lúc dính lúc không, có khi còn bị té nhào lên nhau.

Riêng mấy chú chó, khi đã xác định được con mồi, chúng rượt đuổi quyết liệt và đeo bám đến cùng. Và, với chúng thì luôn “bách phát bách trúng”, không có chuyện bắt hụt hay buông tha” - ông Nguyễn Văn Tấn (sinh năm 1968, ấp Hòa Tân, xã Định Thành, Thoại Sơn) nhấn nhá giọng như đang kể một câu chuyện trinh thám.

Một khi chó đã bắt được chuột trên đồng thì chỉ có cắn chết mới buông. Câu chuyện chó đuổi bắt chuột càng trở nên hấp dẫn, ví như chuyện rượt đuổi trong phim hành động qua lời kể chất phác của những bác nông dân. “Chúng tôi làm nông vậy mà bắt chuột vẫn phải thua sức những chú chó chứ không đùa!” - ông Tấn nói vui. Theo nhiều người, chỉ cần rượt bắt chuột chưa đến chục bận là họ đã thấm mệt. Nhưng với những “kẻ săn mồi 4 chân” thì lại khác.

Dường như càng bắt được nhiều chuột, độ hăng của chúng càng tăng, tốc độ đào bới hang và vật chuột càng rút ngắn hơn. Hầu như chú chó nào cũng chỉ cần vật một cái là chuột đã nằm sõng soài, vài giây sau lăn ra chết. Lúc này, nhiệm vụ của người nông dân là thu dọn “chiến lợi phẩm” giúp những chú chó săn. Cứ thế, chó có thể truy đuổi con mồi từ chạng vạng cho đến chiều tối. Và, chỉ cần nghỉ ngơi 1 đêm là mấy con chó đã lấy lại sức để bắt đầu cho cuộc “chinh chiến” mới. 

Không chỉ là “chó săn”…

“Gấu, chào khách đi con” - lão nông Nguyễn Minh Trực (sinh năm 1969, ngụ ấp Hòa Long, xã Định Thành) trò chuyện cùng chú chó cưng trước mặt. Với bà con nông dân, chó đôi khi trở thành người bạn thân thiết, chứ không đơn thuần là vật nuôi để giữ nhà hay bắt chuột. “Sao trông nó hiền thế, vậy có bắt chuột được không?”- chúng tôi thắc mắc. “Yên tâm, con “gấu” chỉ hiền khi ở nhà thôi, chứ đi đồng thì khỏi chê. “Tay săn chuột” cừ khôi của tôi đó. Cái “nết” nó mỗi khi gặp chuột thì miễn bàn. Nó gầm gừ và sủa liên tục để lấn át tinh thần con mồi, rồi nhào đến vật không tha” - ông Trực tiếp lời chúng tôi sau trận cười thích chí.

 ly ky nhung tran cho ruot duoi, san chuot tren canh dong mien tay hinh anh 2

Tất nhiên, để có thể trở thành những chú “chó săn” cừ khôi, chúng phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt của người nông dân. “Chó vườn mới mang về chưa biết bắt chuột, chỉ cần dạy khoảng 1 tuần là thành thạo. Đầu tiên, chúng tôi bắt 1 con chuột cho nó ngửi mùi, đánh hơi. Sau đó, đào 1 cái hang chôn con chuột nhưng phải ló một phần đuôi ra ngoài. Chó ngửi thấy hơi chuột sẽ nhanh chóng lại đào hang và vồ lấy con mồi. Tập đi tập lại vài lần chó đã quen với việc bắt chuột”- anh Ngô Văn Đen (sinh năm 1977, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành) rỉ tai “bí quyết” huấn luyện chó săn.

Ngày nay, việc dẫn chó bắt chuột dường như chỉ có ở miền quê. Nhưng đôi khi rất thưa thớt vì người nông dân đã nghĩ ra nhiều cách bắt chuột khác để bảo vệ ruộng lúa. Song, với những nông dân chân đất như ông Trực hay anh Đen, họ vẫn giữ thói quen dẫn chó ra đồng mỗi khi mùa gặt đến. “Đi đồng mà không đem chó theo, chúng tôi sẽ buồn lắm! Có khi bắt chuột cả ngày, đến trưa đói quá bà con chúng tôi lấy rơm đốt lửa nướng chuột, thế là no bụng đến chiều.

Món chuột nướng rơm quê mùa vậy nhưng không thua gì “sơn hào hải vị” đâu. Nhiều khi, bạn ở xa về thăm, tôi chỉ việc dẫn chó ra đồng, vài phút sau đã có chuột mang về đãi khách. Mấy người bạn thành thị khi ấy chỉ biết trầm trồ thán phục cuộc săn mồi của chó nhà quê. Còn tôi được dịp nở mũi, tiếp bạn với đặc sản “cây nhà lá vườn”. Nào là chuột chiên, chuột xào rau răm, chuột hấp nước dừa… “Chén chú, chén anh”, cuộc vui của mấy người bạn lâu ngày gặp mặt càng thêm đậm đà” - ông Trực chất phác chia sẻ.

Chia tay quán nhỏ ven đường, bỏ lại sau lưng bao câu chuyện còn dang dở của những lão nông nhưng cũng đủ để chúng tôi tìm thấy niềm vui trong giọt mồ hôi của người nông dân. Và, câu chuyện về những chú chó săn chuột đồng sẽ mãi là món quà thú vị mà chúng tôi mang về phố thị để kể nhau nghe vào đầu năm Mậu Tuất này!

Theo Phương Lan (Báo An Giang)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 321

Máy chủ tìm kiếm : 41

Khách viếng thăm : 280


Hôm nayHôm nay : 46391

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1444885

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71672200